1. Tuyển người không khó – quan trọng là hỏi đúng câu
Ai cũng mong muốn tìm được ứng viên hội tụ đủ năng lực, kinh nghiệm, có cả tâm lẫn tầm và đặc biệt là phù hợp với văn hóa cũng như định hướng phát triển của công ty. Nhưng rõ ràng, điều đó không hề dễ.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều nhà tuyển dụng dày dặn, việc “chọn mặt gửi vàng” sẽ không còn quá khó nếu bạn biết cách đặt đúng câu hỏi – những câu có thể chạm vào đúng “insight” và tư duy của ứng viên. Thay vì lặp lại những câu hỏi rập khuôn, hãy thử 5 câu hỏi phỏng vấn dưới đây – giúp nhà quản lý nhanh chóng nhận diện được những ứng viên thật sự tiềm năng.
2. 05 câu hỏi giúp nhận diện “ứng viên xịn”
Câu 1: Kể về một thử thách khó nhằn mà bạn đã gặp phải trong công việc? Làm thế nào để bạn chinh phục nó?
Mục tiêu:
Câu hỏi này sẽ kiểm tra:
- Xem ứng viên có dám đối diện với khó khăn, thách thức hoặc thậm chí sai sót của bản thân hay viện cớ và đổ lỗi
- Cách họ đối diện, nhận định tình hình và tìm giải pháp có hợp lý, hệ thống hay không
- Họ đã rút ra bài học gì và có áp dụng cho tương lai hay không?
- Thái độ khi kể lại câu chuyện có bình tĩnh hay khó chịu, có thoải mái hay sợ hãi
Dấu hiệu “ứng viên xịn” qua câu trả lời:
- Thẳng thắn: Thái độ đối diện, không tránh né và nhận trách nhiệm (nếu có)
- Kể lại chi tiết: Mô tả lại câu chuyện rõ ràng, từng bước, đặc biệt là cách xử lý của bản thân ứng viên
- Tự rút ra bài học: Đúc kết những gì đã học được sau khó khăn, thách thức đó
- Thái độ cá nhân: Xem thử thách hoặc thất bại là cơ hội để trưởng thành và tích lũy kinh nghiệm
Câu 2: Điều gì ở công ty chúng tôi làm bạn ấn tượng và muốn ứng tuyển vào vị trí này?
Mục tiêu:
Câu hỏi này giúp bạn tìm ra ứng viên thực sự quan tâm đến nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Liệu họ có thực sự muốn chinh phục vị trí công việc bằng cách tìm hiểu kỹ về công ty hay chỉ đơn thuần là “rải CV” để tìm một công việc một cách “bừa bãi”.
Câu hỏi này sẽ kiểm tra:
- Mức độ hiểu biết về công ty: Liệu ứng viên đã rõ về lĩnh vực hoạt động, mục tiêu, chiến lược, giá trị cốt lõi, dự án thành công của doanh nghiệp chưa?
- Động lực cốt lõi: Ngoài phúc lợi về lương thưởng, công ty còn điều gì hấp dẫn họ: cơ hội nghề nghiệp, văn hóa doanh nghiệp, thử thách trong công việc,…
- Sự liên kết: Ứng viên có nhìn ra mối liên hệ giữa năng lực bản thân với yêu cầu công việc và định hướng phát triển lâu dài của công ty hay không?
- Tầm nhìn: Họ có hình dung được lộ trình thăng tiến tại công ty hay không?
Dấu hiệu “ứng viên xịn” qua câu trả lời:
- Nghiên cứu kỹ: Trình bày về những điểm nổi bật và cụ thể về công ty, ví dụ như dự án đã thành công, một thành tích nổi bật, một dấu ấn văn hóa công ty,…
- Liên kết bản thân: Chỉ ra được mối liên hệ giữa kỹ năng ứng viên và vị trí mà công ty đang tuyển dụng, có sự cam kết về hiệu quả công việc nếu họ trúng tuyển
- Định hướng nghề nghiệp rõ ràng: Xác định mục tiêu làm việc và gắn bó lâu dài tại công ty một cách hợp lý.
Câu 3: Trong vòng 1 năm qua, bạn có học tập thêm kiến thức hoặc kỹ năng nào để phục vụ cho công việc của mình? Bạn đã áp dụng nó như thế nào vào thực tiễn?
Mục tiêu:
Đánh giá khả năng thích ứng với những thay đổi của thị trường, tinh thần chủ động và sự đầu tư vào phát triển bản thân. Trong bối cảnh công nghệ thay đổi mạnh mẽ như hiện nay, chỉ có nhân sự biết cách học hỏi và nâng cấp bản thân mới đi được đường dài cũng doanh nghiệp.
Câu hỏi này sẽ kiểm tra:
- Ý thức tự giác: Họ chủ động học hỏi, tìm tòi vì bản thân hay chỉ làm khi được yêu cầu
- Sự liên quan: Kiến thức/kỹ năng họ cập nhật có cần thiết và hữu ích cho vị trí công việc mà doanh nghiệp đang tuyển dụng
- Khả năng áp dụng: Họ đã ứng dụng kiến thức vào công việc hay chưa, có đạt được kết quả gì chưa
Dấu hiệu “ứng viên xịn” qua câu trả lời
- Cụ thể và thực tế: Nêu được cụ thể kỹ năng/kiến thức đã học từ sách vở, internet hoặc các dự án, workshop,…
- Nếu được lý do lựa chọn: Vì sao chọn học kỹ năng/kiến thức đó mà không phải cái khác? Nó mang lại tính hữu ích hoặc cơ hội gì cho họ?
- Thái độ hào hứng, tự hào: Cách họ kể lại có thực sự phấn khởi hay chỉ đơn giản là tường thuật.
Câu 4: Kể lại một lần bạn bị sếp hoặc đồng nghiệp góp ý, thậm chí là phê bình về hiệu quả công việc, tuy nhiên bạn lại không đồng ý với điều đó. Bạn đã phản ứng như thế nào?
Mục tiêu:
Câu hỏi sẽ kiểm tra:
- Khả năng nhận định tình hình thực tế: Ứng viên nhận định bản thân hoàn toàn không có lỗi và cho rằng sếp/đồng nghiệp quá đáng hay nhận thấy bản thân vẫn cần rút kinh nghiệm.
- Kiểm soát cảm xúc: Khi nhận được lời phê bình không mấy “lọt tai”, ứng viên bình tĩnh giải thích hay tức giận, khó chịu ra mặt, sẵn sàng “cãi tay đôi” để đáp trả.
- Xử lý hiểu lầm: Nếu sếp/đồng nghiệp thực sự hiểu sai về mình, vậy ứng viên đã làm gì để giải quyết vấn đề mà không làm mất hòa khí, cũng như gián tiếp chứng minh năng lực cá nhân.
Dấu hiệu “ứng viên xịn” qua câu trả lời
- Bình tĩnh khi bị phê bình: Ứng viên giữ thái độ bình tĩnh, không tức giận hay vội vàng thể hiện sự thất vọng khi bị sếp/đồng nghiệp ý kiến về hiệu quả công việc
- Khéo léo hòa giải hiểu nhầm: Sau khi tiếp nhận thông tin, ứng viên biết cách đưa ra luận điểm chứng minh năng lực, hiệu suất làm việc bản thân bằng những số liệu, kết quả cụ thể
- Thái độ hòa nhã: Không “cạch mặt” sếp hay đồng nghiệp, vẫn giữ mối quan hệ tốt và không “ghim” người khác chỉ vì những đánh giá chủ quan.
Câu 5: Làn sóng thất nghiệp đang ngầm đổ bộ lên những ứng viên lớn tuổi? Bạn có lo sợ điều này? (dành cho ứng viên trên 30 tuổi)
Mục tiêu:
Đây là câu hỏi mang tính thời sự nhằm đánh giá thái độ của ứng viên với những biến động trong thị trường tuyển dụng. Liệu họ có lo lắng hay vẫn tự tin vào năng lực bản thân, xem họ chuẩn bị gì khi đã qua “độ tuổi vàng” trong mắt các nhà tuyển dụng.
- Khả năng đánh giá tình hình: Ứng viên có nắm bắt được thực trạng này hay hoàn toàn không để tâm đến.
- Thái độ cá nhân: Lo lắng hạ tiêu chuẩn để dễ tìm được công ty, hay kiên định với mục tiêu vì tin rằng CV và năng lực của mình đủ sức chinh phục nơi phù hợp?
- Sự thích nghi với thị trường: Ứng viên có cập nhật kiến thức, kỹ năng mới hoặc hoạch định kế hoạch khác nếu không tìm được công việc phù hợp chuyên môn
Dấu hiệu “ứng viên xịn” qua câu trả lời
- Thừa nhận thực tế: Họ biết rằng các ứng viên trên 30 tuổi đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm công việc phù hợp
- Không bi quan: Ứng viên giỏi không viện cớ từ chối để đổ lỗi cho nhà tuyển dụng. Họ hiểu rõ giá trị bản thân, giữ được sự tự tin vào năng lực và liên tục cải thiện để bắt kịp nhu cầu của thị trường.
- Nâng cấp bản thân: Để không bị bỏ lại giữa làn sóng thất nghiệp, họ chủ động học hỏi kiến thức mới, phù hợp với các xu hướng phát triển và nhu cầu từ nhà tuyển dụng.
3. Kết
Bạn thấy sao về 5 câu hỏi phỏng vấn được gợi ý trong bài viết này? Đây là những câu hỏi để doanh nghiệp xoáy sâu vào bản thân của các ứng viên, thông qua câu trả lời, họ sẽ bộc lộ tính cách, năng lực và các kỹ năng mềm khác. Đừng quên “take note” lại các câu hỏi này nếu bạn sắp có lịch phỏng vấn để chọn được những nhân sự thật chất lượng nhé!
Xem thêm: 9 pha “tự hủy” khiến bạn trượt phỏng vấn ngay lập tức!
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.