• .
adsads
cap cuu den muon phong van thi lam sao 3
Lượt Xem 8 K

Sáng nay Mr. Vui Vẻ chưa kịp đập cái đồng hồ báo thức thì đã bị tiếng chuông điện thoại in ỏi của bạn gọi dậy. Đang mắt lèm kèm mơ ngủ, chưa kịp nói gì thì đã bị tiếng kêu cứu thất thanh cao hơn quãng 8 của bạn làm hết hồn.

 

Sau đây là đoạn hội thoại nhỏ giữa Vui Vẻ và bạn.

 

Bạn:Ông ơi ! Chết tui rồi!”

VV: “???”

Bạn: “Cứu với! Hư xe nên đi muộn phỏng vấn. Mà công ty đó tui “bồ kết” dữ dội luôn. Làm sao bây giờ?”

VV: “Hừm. Để tui tính”.

 

Đi muộn phỏng vấn? Tình huống mà không ai muốn nó sẽ xảy ra. Nhưng cuộc đời đâu ai biết được chữ ngờ. Cho dù bạn chuẩn bị kỹ càng đến mấy, sự cố vẫn có thể diễn ra. Có hàng trăm lý do khiến bạn đến muộn phỏng vấn: từ tai nạn, ngập lụt, xe chết máy, lạc đường, tắt đường… Nhưng nguyên nhân không quan trọng, mấu chốt là bạn giải quyết vấn đề như thế nào.

 

Đến muộn phỏng vấn chính là ca khó cần sự trợ giúp của “chuyên gia”.

Và tôi, Vui Vẻ – “Chuyên gia đi trễ” sẽ hướng dẫn bạn nên làm gì khi lỡ đi muộn phỏng vấn.

 

Cẩm Nang Khắc Phục Khi Đi Trễ Phỏng Vấn

_ Mr. Vui Vẻ _

 

Đầu tiên, hãy xác định “level” đi trễ của bạn.

Bạn hỏi tôi: “Đi trễ mà còn có mức độ khó hay dễ á?” Có chứ sao không. Cùng một vấn đề nhưng mỗi người sẽ trải nghiệm tình trạng khác nhau. Vẫn là căn bệnh đấy, nhưng có người bị nặng/nhẹ hơn người khác. Và trước khi muốn giải quyết vấn đề, bạn cần xác định xem mức độ tình huống của mình đang nằm ở đâu, để có phương pháp giải quyết thích hợp.

 

Vui Vẻ chia tình huống “đi muộn phỏng vấn” thành 2 mức độ và có giải pháp riêng cho chúng.

 

Level ‘Còn nước còn tát’:
Bạn chưa trễ nhưng biết mình sẽ đến trễ buổi phỏng vấn.

Việc bạn cần làm là ngay lập tức bắt điện thoại lên và gọi thông báo cho nhà tuyển dụng. Trình bày lý do và định lượng khoảng thời gian mình đến trễ. Chìa khóa là ngắn gọn, hợp lý và thể hiện được sự thành khẩn. Nếu lý do làm bạn đi trễ quá sức “củ chuối” như dậy muộn hay quên hồ sơ, lạc đường thì loại bỏ nó ngay và luôn. Dưới đây là những lý do có thể sử dụng do Vui Vẻ khuyên dùng. 

 

Lý do khách quan:

♦Tắt đường (Áp dụng nếu phỏng vấn giờ cao điểm)

♦Ngập lụt (Áp dụng ONLY vào mùa mưa, đang mùa khô mà nói cái này là hết phim nhé)

♦Sự cố từ phương tiện di chuyển (hư xe, chết máy…)

 

Lý do chủ quan:

♦Vấn đề sức khỏe (Đau bụng, đau răng, đau đầu, đau đủ thứ…)

♦Vấn đề gia đình (Có chuyện gấp, quan trọng, đừng XẠO là người nhà ốm/bệnh/mất nếu không muốn xui)

 

Vậy bạn nên nói như thế nào khi gọi?

 

“Chào anh/chị. Em xin phép sẽ đến trễ 30 phút (định lượng thời gian cụ thể) vì lý do xe chết máy do bị ngập ở Bình Thạnh (lý do ngắn gọn, hợp lý và có tính chân thật). Em thành thật xin lỗi. Mong anh/chị thông cảm. Em xin cảm ơn.”

 

Khi đã đến nơi phỏng vấn, xin lỗi một lần nữa với thái độ thành khẩn. Và trong suốt buổi phỏng vấn, thể hiện thái độ lịch sự, nghiêm túc và mong muốn được làm việc tại công ty. Khi ra về, hãy kết thúc bằng câu nói “Cảm ơn anh/chị đã thông cảm cho em.” Nếu cẩn thận hơn nữa, bạn có thể viết một email xin lỗi vì đã đến muộn để ghi lại điểm (đã mất) với nhà tuyển dụng.

 

Level ‘Chia tay nhau từ đây’:
Bạn đã đến trễ và bị từ chối phỏng vấn.

Cùng là tình huống này nhưng lại có cách giải quyết hoàn toàn khác nhau. Câu chuyên (có thật 1000%) về cách ứng xử của 2 ứng viên sẽ giải đáp câu hỏi bạn nên làm gì nếu rơi vào tình huống tương tự.

 

Câu chuyện 1:
Anh đến trễ buổi phỏng vấn và bị nhà tuyển dụng từ chối phỏng vấn. Anh đành bỏ về nhà và nộp đơn xin việc chỗ khác.

Vui Vẻ hỏi bạn, anh sai ở đâu?

 

Thái độ bỏ về và “coi như xong” thể hiện tinh thần vô trách nhiệm cùng phong cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của anh. Không đề cập đến việc lý do cho việc đến trễ của anh là hợp lý hay không vì nhà tuyển dụng chỉ nhìn thấy kết quả. Anh đã không làm gì để khắc phục “lỗi đến trễ” từ phía mình mà cho nó qua đi.

 

Vậy bạn nên làm gì khi rơi vào tình huống đó?

 

Khi làm sai, hãy xin lỗi. Đó là điều cơ bản nhất chúng ta đã được học. Hãy thể hiện tinh thần trách nhiệm bằng cách gọi điện hoặc viết email nếu không gặp được nhà tuyển dụng. Vui Vẻ khuyên bạn nên xin lỗi bằng email, vì khi viết chúng ta sẽ cân nhắc và lựa chọn những từ ngữ thích hợp hơn. Và biết đâu điều kỳ diệu sẽ xảy ra, bạn có thể thuyết phục nhà tuyển dụng thành công và được trao cơ hội thứ 2.

 

Vui Vẻ cho rằng, tinh thần trách nhiệm chính là cốt lõi để thành công trong sự nghiệp. Và đừng quên là Trái Đất rất tròn, biết đâu bạn lại làm việc với chính nhà tuyển dụng đã từ chối mình trong tương lai. Bạn muốn họ nhớ đến mình như một người “vô trách nhiệm” hay một người “biết sửa sai”?

 

Câu chuyện 2:
Vì lý do bất khả kháng, chị đến muộn và bị nhà tuyển dụng từ chối phỏng vấn. Nhưng chị đã làm gì để thuyết phục nhà tuyển dụng cho mình cơ hội thứ 2 và trở thành nữ quản lý huyền thoại của công ty?

Điều duy nhất chị làm chính là… chờ. Đúng vậy. Chị kiên nhẫn chờ cho đến khi nhà tuyển dụng bước ra để xin lỗi. Không giải thích. Không trình bày. Không van xin. Tất cả chị làm là cúi xuống và xin lỗi vì đã đến trễ buổi phỏng vấn. Bị ấn tượng bởi tinh thần trách nhiệm của chị, nhà tuyển dụng quyết định cho chị cơ hội thứ hai. 

Bài học từ “chị” đó là “đừng bao giờ bỏ cuộc” và “hãy sống có trách nhiệm” với mỗi hành động mình làm. Với cẩm nang này, Vui Vẻ đã sẵn sàng để cấp cứu cho bạn mình.

 

Bạn: “Sao rồi ông? Tui nên làm gì bây giờ?”

VV: “Ông viết email xin lỗi đi. Thành khẩn vào.”

Bạn: “Tui gửi rồi mà chưa thấy trả lời.”

VV: “Hừm…Theo tui tính thì ông … rớt chắc rồi. Xin việc chỗ khác đi. Và nhớ là muốn xin việc thì đừng đi trễ nữa cha nội”.

Bạn: “…” (Cúp máy một cách phũ phàng)

 

Còn bạn thì sao, bạn có thể “lật ngược tình huống” và thuyết phục được nhà tuyển dụng cho mình cơ hội thứ 2 được hay không?

 

_ Mr. Vui Vẻ –

Tư vấn viên “hên xui”_

 

Công việc IT ‘Nóng bỏng tay’:
 

Các bài viết tương tự:

Tags:
Đánh dấu yêu thích

VỀ NGƯỜI VIẾT

Ngan Nguyen

Ngân là cộng tác viên thường xuyên của HR Insider trong năm 2016.

CHO NGƯỜI TÌM VIỆC