Kevin Grice hiện giờ đang giữ vị trí Head of Talent tại Trialspark, một công ty khởi nghiệp về công nghệ sinh học tại New York. Ông có nhiều năm kinh nghiệm tuyển dụng nhân sự trong mảng công nghệ, từng là Trưởng nhóm tuyển dụng tại Google trong 6 năm. Và cũng như nhiều doanh nghiệp khác, ông và những cộng sự của mình luôn muốn những người tinh hoa tài giỏi nhất trở thành một phần của công ty mình.
Kevin tin rằng, tất cả mọi người, dù là “tân binh” hay đã có kinh nghiệm, thì đều sở hữu những điểm tốt như nhau, và để có thể thu hút được nhân tài, thì khâu phỏng vấn đóng một vai trò không kém phần quan trọng. Đó là điều mà công ty nào cũng rõ, nhưng vẫn còn khá hời hợt trong việc xây dựng cho mình một quy trình phỏng vấn bài bản và hợp lý nhất. Có thể họ cho rằng, bằng một cách thần kỳ nào đó, các nhân tài xuất chúng sẽ tự tìm đến và làm việc cho họ chẳng hạn!
Cũng giống như việc các ứng viên phải tìm hiểu và chuẩn bị thật kỹ nếu muốn đạt được một vị trí mơ ước, các công ty cũng cần phải chắc rằng mình có thể xây dựng được một quy trình tuyển dụng hiệu quả nhất. Sau đây chính là những bí quyết mà Kevin Grace đã tích góp được trong suốt hơn 10 năm làm việc trong ngành Nhân sự của mình.
Dành thời gian tìm hiểu về ứng viên mà bạn sắp phỏng vấn
Bạn mong đợi các ứng viên chuẩn bị kỹ trước khi tới buổi phỏng vấn, nhưng chính đội ngũ tuyển dụng của công ty cũng nên có hành động giống như vậy. Vì sau cùng, một buổi phỏng vấn không chỉ là bạn đang quyết định tuyển chọn ai, mà đó còn là một cơ hội để các ứng viên xem xét rằng họ có muốn làm việc ở công ty hay không. Và với tỉ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục trong 10 năm nay, cuộc chiến tranh giành người giỏi nhất đang mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Dĩ nhiên, trước khi gặp mặt bất kì một ứng viên nào, bạn cần phải có một sự nghiên cứu hay thẩm định chuyên sau về người ấy, ví như xem hồ sơ trên trang mạng xã hội của họ chẳng hạn. Tuy nhiên, hãy thử đào sâu hơn một chút về họ thử xem! Bạn đang muốn tuyển dụng một kĩ sư ư? Hãy nghiên cứu về những đóng góp trên các nguồn mở trên mạng của họ. Hay bạn đang tìm kiếm những ai mới khả năng thuyết trình tuyệt vời?
Hãy dạo quanh trên mạng và xem những video của họ đang phát biểu về một chủ đề chuyên môn nào đó. Điều này tuy tốn kha khá thời gian, nhưng nó cũng giúp bạn có thể hiểu hơn đôi chút về một người ngay trước cả khi họ bước chân vào buổi phỏng vấn xin việc đấy.
Nhận biết và hạn chế tối đa định kiến cá nhân của bạn trong quá trình phỏng vấn
Một cái tên trên hồ sơ lý lịch, một địa chỉ, một trường đại học: Tất cả những thứ nghe tuy có vẻ nhỏ nhặt này cũng có thể “châm ngòi” cho những định kiến vô ý từ cá nhân bạn đấy. Chúng tuy không lộ rõ ra ngoài, nhưng những định kiến cá nhân này lại có một sức mạnh vô hình ảnh hưởng đến cả một quá trình tuyển dụng.
Ví dụ, ở châu Âu, nơi mà mọi người thường kèm thêm một tấm ảnh cá nhân trên hồ sơ xin việc của họ. Các nhà nghiên cứu cho rằng, nhà tuyển dụng sẽ có xu hướng ít tuyển dụng phụ nữ đeo khăn đội đầu hơn, mặc dù tiêu chuẩn chuyên môn của họ không khác gì so với những lá đơn xin việc khác.
Các nhà nghiên cứu từ Canada cũng đã tìm ra rằng, những ứng viên nào có danh xưng nghe giống tiếng Trung Quốc, Ấn Độ hay Pakistan – sẽ có ít xu hướng được mời đến buổi phỏng vấn hơn 28% so với những người có tên gọi giống Tiếng Anh.
Bạn sẽ chẳng bao giờ loại bỏ được những định kiến của mình đâu. Nhưng bạn cũng nên ý thức hơn khi đưa ra kết luận rằng một người có phù hợp với công ty hay vị trí còn trống đó hay không nhé.
Tránh việc tuyển dụng người giống mình
Chúng ta có khuynh hướng lựa chọn những ai gợi nhớ về chính bản thân mình.
Không những gây ra nhiều bất công cho quy trình tuyển dụng, phương pháp này còn mang không ít rủi ro cho công ty về lâu về dài. Nếu chúng ta chỉ lựa chọn những bản sau của mình, công ty sẽ thiếu đi sự đa dạng hóa. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những công ty có nền văn hóa đa dạng sẽ làm việc tiến bộ hơn, đạt được lợi nhuận cao trên mức trung bình, và khiến cho việc tuyển dụng nhân tài trở nên dễ dàng hơn.
Chúng ta muốn tuyển dụng những ai mà ta cảm thấy thoải mái khi làm việc cùng, vì thế việc bạn có cảm tình với người đó là vô cùng quan trọng. Nhưng hãy chắc rằng bạn không gây quá nhiều bất lợi cho những ai có tiềm năng; chỉ vì họ không có chung nền văn hóa, giáo dục hay con đường sự nghiệp tương tự như bạn.
Tập trung và tương tác nghiêm túc với ứng viên trong phỏng vấn
Phỏng vấn là một quá trình hao tâm tổn sức. Hãy tưởng tượng những nhà tuyển dụng cứ gõ gõ bàn phím, kiểm tra điện thoại, hay con mắt lơ đãng đi đâu đó.
Ai mà chẳng bận rộn. Nhưng bạn đang ở trong phòng phỏng vấn một ứng viên. Vì thế hãy chắc rằng, bạn đang thật sự hiện hữu ở đó nhé!
Thể hiện sự nhất quán và kiên định
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy rằng, một cách giúp cho quá trình tuyển dụng trở nên công bằng và ít thiên vị hơn, chính là sử dụng phương pháp phỏng vấn theo cấu trúc. Điều này có nghĩa là, những câu hỏi cần có một sự đồng nhất và theo đúng trình tự mà bạn đặt câu hỏi.
Dĩ nhiên, bạn không muốn đội ngũ tuyển dụng của mình có cảm giác rằng họ đang ở trong một buồng lái máy bay tự động. Thay vào đó, hãy nhóm các câu hỏi với nhau thành một gói, và khuyên nhóm tuyển dụng hãy sử dụng những câu hỏi giống nhau khi phỏng vấn các thí sinh khác nhau cho một vị trí cụ thể nào đó. Điều này không chỉ tạo cơ hội ngang nhau để các ứng viên tỏa sáng, mà nó còn giúp bạn công bằng hơn khi so sánh giữa các ứng viên với nhau nữa.
Tránh lối tư duy theo số đông, đội nhóm
Khi bạn vừa mới hoàn thành một buổi phỏng vấn với một ứng cử viên vô cùng ưng ý. Bạn chắc mẩm rằng đồng nghiệp của mình – người sẽ thực hiện buổi phỏng vấn thứ hai, cũng có cùng suy nghĩ giống y như bạn. Và bạn đang rất mong chờ để nói về ứng viên đó với người đồng nghiệp này.
Kiểu phản xạ này hoàn toàn là hợp lí. Có câu nói rằng: Hai người hợp lại thì vẫn tốt hơn một, nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng: Luôn có sự khôn ngoan giữa đám đông. Nhưng nếu bạn nói trước về suy nghĩ của mình trước khi người khác kịp có thời gian để xử lí thông tin của họ, thì lối tư duy đồng nhất này sẽ nhanh chóng trở thành lối tư duy theo kiểu tập thể, và định kiến cá nhân của bạn (dù là tích cực hay tiêu cực) cũng sẽ ảnh hưởng đến người khác. Hãy dành thời gian để lĩnh hội đủ những gì đã xảy ra, viết xuống những dòng nhận xét của mình, rồi sau đó mới ngồi xuống và chia sẻ suy nghĩ của mình cho người khác biết.
— HR Insider / Theo The Fast Company —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.