Trên hành trình tìm kiếm công việc mơ ước, phần lớn sinh viên mới ra trường đều mang theo một tâm thế đầy quyết tâm: học thật giỏi, đạt điểm số cao, tích lũy thành tích ấn tượng – với hy vọng điều đó sẽ trở thành “tấm vé thông hành” vào thị trường lao động đầy cạnh tranh.

Bạn đã từng dồn toàn lực học tập, chăm chỉ rèn luyện kỹ năng, tin rằng mình đã sẵn sàng để chinh phục nhà tuyển dụng – nhưng rồi, những email từ chối sau vòng phỏng vấn vẫn đều đặn gửi đến?

Thực tế là: trong một thế giới tuyển dụng ngày càng khắt khe và liên tục thay đổi, điều nhà tuyển dụng tìm kiếm không chỉ nằm ở bảng điểm hay thành tích. Mà sâu hơn thế, họ đang tìm những ứng viên sở hữu tư duy phù hợp, thái độ, và khả năng thích nghi nhanh với văn hóa tổ chức và tốc độ phát triển của doanh nghiệp.

Chính vì thế, VietnamWorks phối hợp cùng VietceteraVietnam Innovators Digest mang đến một không gian mới mang tên GẤP GAP Show.

 

Vậy, GẤP GAP là gì?

 

GẤP GAP không chỉ đơn thuần là một chương trình podcast – đây còn là một không gian, nơi những câu chuyện thật được kể lại bằng tất cả sự chân thành, cảm xúc và trải nghiệm. Tại đây, các bạn trẻ – đặc biệt thế hệ gen Z có thể nhìn thấy chính mình qua những loay hoay khi mới đi làm, những băn khoăn khi chọn nghề, và cả những khúc ngoặt định hình tương lai.

Tên gọi “GẤP GAP” trong chương trình cũng mang đến một ý nghĩa đặc biệt:

▪️ GAP – là khoảng cách giữa năng lực hiện tại của người trẻ và yêu cầu thực tế từ thị trường lao động.

▪️ GẤP (gấp lại) – là hành động chủ động rút ngắn khoảng cách đó, tiến gần hơn tới mục tiêu sự nghiệp mơ ước.

Mở đầu tập 1, Gấp Gap Show đã mang đến một buổi trò chuyện đa chiều giữa ba đại diện đến từ ba thế hệ, cùng chia sẻ những góc nhìn khác nhau về con đường sự nghiệp.

Đó là Chây Xì Dách – content creator nổi bật thuộc thế hệ 20s, đại diện cho lớp trẻ đang từng bước định hình sự nghiệp; chị Trần Lệ Quân – Senior Product Manager tại Navigos Group, với những trải nghiệm sâu sắc sau nhiều lần “va vấp” với nghề; và anh Tăng Trị Trọng – Career Master, đồng thời là Chief Sales Officer của VietnamWorks và thành viên BOD của Navigos Group, người dẫn dắt buổi trò chuyện từ lăng kính của nhà tuyển dụng kỳ cựu.

Theo đó, ba nhân vật khách mời sẽ cùng nhau tháo gỡ một câu hỏi tưởng đơn giản nhưng lại khiến không ít bạn trẻ trăn trở: “Bạn giỏi nhưng có đúng kiểu mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm?” – một bài toán nan giải trong hành trình tìm kiếm công việc đầu tiên.

Cùng điểm lại 4 bài học đắt giá trong Tập 1 Gấp Gap, giúp Gen Z gấp gọn chông gai, tự tin trên đường apply!

 

 

 

1. Nhà tuyển dụng không mong đợi sự hoàn hảo, họ tìm kiếm tiềm năng

 

Từ câu chuyện của Chây – nộp hồ sơ thực tập nhưng không nhận được phản hồi nào, dẫn đến tâm lý ngại ngần khi apply về sau – đến trải nghiệm của chị Quân, người từng đánh rơi cơ hội ở công ty mơ ước chỉ vì cảm thấy mình chưa đủ giỏi so với các ứng viên đối thủ khác, có thể thấy một điểm chung ở nhiều sinh viên mới ra trường: họ thường tự đánh giá thấp bản thân vì những lý do sau đây:

▪️ Thiếu tự tin do chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế

▪️ Thường xuyên so sánh mình với người khác, chịu áp lực từ “cuộc đua đồng trang lứa”, và nỗi sợ bị từ chối hoặc thất bại

▪️ Thiếu sự định hướng và thiếu người đồng hành, hỗ trợ đúng lúc

Bàn sâu hơn về vấn đề này, anh Trọng chia sẻ: Khi tuyển một vị trí Fresher, nhà tuyển dụng không đặt kỳ vọng vào sự hoàn hảo, mà quan tâm đến những yếu tố nền tảng sau từ ứng viên:

▪️ Tiềm năng: Thể hiện qua những gì ứng viên đã tích lũy được trong quá trình học tập, hoạt động ngoại khóa hoặc thực tập – từ kỹ năng, tư duy đến những “chiến tích” nhỏ nhưng có giá trị.

▪️ Thái độ: Bộc lộ qua cách ứng xử, trang phục, sự chuyên nghiệp và cả sự đúng giờ trong buổi phỏng vấn.

▪️ Tinh thần học hỏi: Nhận thấy qua cách lắng nghe, đặt câu hỏi, ghi chú và thể hiện sự cầu thị trong giao tiếp.

Những điều này không đòi hỏi kinh nghiệm dày dặn, mà đòi hỏi sự chuẩn bị, thành thật và tinh thần sẵn sàng phát triển.

 

 

2. Biết người biết ta

 

Một trong những khoảnh khắc đáng nhớ của tập đầu tiên của Gấp Gap show chính là câu chuyện “quay xe” đầy bản lĩnh của chị Quân. Từng là chuyên viên nhân sự dày dạn với 7 năm kinh nghiệm, chị không ngần ngại đánh đổi hành trình đã ổn định để bắt đầu lại từ số 0 trong lĩnh vực Product Management – nơi mọi thứ đều mới mẻ và đầy thử thách.

Đồng cảm với trăn trở của Chây về việc: “Biết mình thích gì nhưng chưa đủ giỏi thì có nên apply?”, chị Quân đã chia sẻ những “chiến thuật”, được đúc kết từ kinh nghiệm chuyển ngành thành công của bản thân:

▪️ Kỹ năng cứng: Chủ động tiếp cận những người đang làm trong lĩnh vực mình muốn theo đuổi. Học cách họ học – họ đọc sách gì, nghe podcast gì, tham gia khóa học nào… để từng bước hình thành tư duy và kỹ năng cần thiết.

▪️ Kỹ năng mềm: Tự nhìn lại và đánh giá xem bản thân đã có những kỹ năng mềm nào phù hợp với lĩnh vực đó – như tư duy phản biện, kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, v.v.

▪️ Thái độ sẵn sàng học hỏi: Hãy cho nhà tuyển dụng thấy bạn đã chuẩn bị được gì. Và với những thứ còn thiếu, đừng giấu đi – hãy thể hiện sự cầu thị, sẵn lòng học và phát triển.

 

 

3. Công thức về sự tự tin

 

Theo anh Trọng, điểm yếu thường gặp nhất của sinh viên mới ra trường trong vòng phỏng vấn chính là thiếu tự tin. Sự tự tin đến từ bên ngoài – xuất phát từ việc tự kỷ ám thị hoặc chịu ảnh hưởng bởi lời nói từ người khác – rất dễ bị nhà tuyển dụng nhìn ra và đánh rớt. Trong khi đó, sự tự tin thực sự phải đến từ nội lực – tức là sự hiểu rõ và tin vào năng lực của chính mình.

Theo đó, anh Trọng chia sẻ một công thức đơn giản:

Khi “cái mình có” bằng hoặc lớn hơn yêu cầu công việc, sự tự tin sẽ đến một cách tự nhiên từ bên trong.

Nhưng nếu ngược lại, bạn vẫn có thể “cân” được công thức này như cách chị Quân từng làm. Dù thiếu một vài yêu cầu chuyên môn khi chuyển ngành, chị Quân vẫn thể hiện được thứ mà không phải ai cũng có: thái độ cầu tiến, tinh thần học hỏi và sự chủ động. Chính điều đó đã khiến nhà tuyển dụng sẵn sàng trao cơ hội, từ cơ hội thành thử thách, từ thử thách thành bước đệm chứng minh năng lực, từ đó dần kéo “tử số” tăng lên.

 

 

4. Top cách “lấy lòng” nhà tuyển dụng, top 1: “Càng hiểu về công ty càng tốt”

 

Gen Z đôi khi có những “bí kíp tâm linh” trước buổi phỏng vấn – như chọn trang phục theo màu sắc may mắn của cung hoàng đạo, hay kiêng cắt tóc, cắt móng tay vì sợ… cắt luôn vận may. Quan điểm của chị Quân là: “Làm gì cũng được, miễn là bản thân cảm thấy đủ tự tin. Vì khi chỉ khi tự tin, bạn sẽ bước vào phòng phỏng vấn với một thân thái rất khác.”

Ngoài ra, chị Quân cũng chia sẻ một vài tips giúp tăng sự chuẩn bị và tự tin trước phỏng vấn:

▪️ Tìm hiểu về người phỏng vấn: Hãy hỏi trước xem ai sẽ phỏng vấn mình. Sau đó, tìm hiểu họ trên LinkedIn hoặc các nền tảng mạng xã hội để biết họ từng làm ở đâu, môi trường ra sao, điểm chung nào với mình. Sự đồng điệu sẽ giúp bạn bớt căng thẳng và mở đầu câu chuyện dễ dàng hơn.

▪️ Hiểu rõ về công ty và sản phẩm: Trước buổi phỏng vấn, hãy nghiên cứu kỹ về dịch vụ/sản phẩm của công ty. Tự đặt câu hỏi: Nếu mình vào làm, mình sẽ cải thiện điều gì? Câu trả lời không cần quá to tát, nhưng phải thể hiện bạn đã thật sự hiểu và quan tâm đến nơi mình ứng tuyển.

▪️ Chuẩn bị theo từng vòng nếu thi Management Trainee: Với các bạn fresher tham gia chương trình Management Trainee, cần lưu ý mỗi vòng đánh giá sẽ có tiêu chí riêng. Hãy tìm hiểu kỹ để đoán được nhà tuyển dụng đang tìm kiếm phẩm chất hoặc kỹ năng gì ở mỗi chặng.

 

 

 

Còn đối với anh Trọng, cách để chiếm lấy cảm tình của nhà tuyển dụng hay nhất chính là hiểu càng nhiều về công ty họ càng tốt:

Trước phỏng vấn:

Hãy chuẩn bị trước những câu hỏi sâu sắc, thể hiện sự tìm hiểu kỹ lưỡng. Ví dụ, nếu bạn biết công ty đang dẫn đầu thị trường, một câu hỏi như: “Hôm nay có cơ hội được gặp anh/chị, em rất tò mò muốn biết: Điều gì đã giúp công ty mình giữ vững vị trí dẫn đầu trong suốt hơn 20 năm qua?” – chỉ một câu hỏi như vậy cũng đủ tạo ấn tượng mạnh và khiến nhà tuyển dụng cảm nhận được sự quan tâm thật lòng của bạn.

Trong lúc phỏng vấn:

▪️ Đúng giờ, ăn mặc lịch sự, gọn gàng.

▪️ Mang theo giấy bút để ghi chú, thể hiện sự chủ động trong việc lắng nghe.

▪️ Đừng quên quy tắc K.I.S.S: Keep It Short & Simple – mọi câu trả lời hay chia sẻ nên rõ ràng, ngắn gọn và dễ hiểu.

Sau phỏng vấn:
Nếu bạn thực sự quan tâm đến vị trí hoặc cảm thấy ấn tượng với nhà tuyển dụng, hãy viết một email cảm ơn – không phải xã giao, mà là lời cảm ơn có chiều sâu. Hãy cho họ thấy:

▪️ Bạn đã học được gì từ buổi phỏng vấn.

▪️ Vì sao bạn thực sự quan tâm đến công việc này.

▪️ Bạn có gì phù hợp với vị trí đó và có thể đóng góp gì cho công ty.

Một lời cảm ơn chân thành, đúng trọng tâm sẽ khiến bạn trở nên nổi bật hơn – ngay cả khi bạn không phải người được chọn, nhà tuyển dụng vẫn có thể nhớ đến bạn cho những cơ hội khác ở tương lai, hoặc giới thiệu bạn cho các vị trí phù hợp khác trong mạng lưới của họ.

Xem trọn Tập 1 Gấp Gap show trên youtube của Vietnam Innovator Digest

 

 

Ý nghĩa đằng sau khối Origami

GẤP GAP không chỉ là những chia sẻ giàu giá trị giữa các thế hệ, mà còn là hành trình cùng nhau gấp nên những Modular Origami – kết nối những mảnh giấy rời rạc thành khối hình hoàn chỉnh, hài hòa và bền vững. Cấu trúc ấy tượng trưng cho nỗ lực thu hẹp khoảng cách và tinh thần gắn kết chặt chẽ giữa con người với con người, giữa những quan điểm và câu chuyện khác nhau. Từ đó, sau mỗi tập, một khối Modular Origami sẽ được hoàn thiện – đại diện cho giá trị cốt lõi được đúc kết.

VietnamWorks hy vọng rằng, qua từng tập của GẤP GAP, thế hệ trẻ sẽ khám phá ra những hướng đi, từng bước “gấp” lại những khoảng cách và tự tin hơn trên con đường chinh phục sự nghiệp của mình.

Đừng bỏ lỡ Tập 2 của Gấp Gap show, phát sóng trên youtube của Vietnam Innovator Digest

 

Nhận bài viết qua email cùng
HR Insider – VietnamWorks.email subscribers