Một số “keywords” thông dụng, phổ biến chứa đựng trong những lời khuyên kinh doanh trong vòng 40 đến 50 năm vừa qua là: năng lực cốt lõi, chuyên môn sâu, kỹ năng khác biệt,… Chìa khóa của sự thành công trong quá khứ chính là sự phát triển một chuyên ngành nào đó một cách chuyên sâu, giúp tiến tới nấc thang sự nghiệp cao hơn. Đối với những chuyên gia vào thời đại đó, tập trung phát triển chính chuyên ngành, lĩnh vực mình đang theo đuổi sẽ giúp bạn thăng tiến và kiếm nhiều tiền hơn. Thực tế ngày nay vẫn tồn tại những nhà lãnh đạo xuất sắc thể hiện bản lĩnh theo cách đó.
Thế nhưng, sự tiến bộ không ngừng của công nghệ hiện đại cùng với “những điều không chắc chắn” ngày càng gia tăng, làm cho tư duy về nghề nghiệp trong tương lai có phần khác biệt so với quá khứ. Thế giới đã thay đổi nhiều về cách vận hành nhưng nhiều tư tưởng của chúng ta về phát triển kỹ năng thì không. Sự phức tạp của thời đại ngày nay đòi hỏi chúng ta phải giỏi hơn, xuất sắc và toàn diện hơn nữa.
Hãy cùng bài viết dưới đây phân tích những thay đổi và tìm ra chìa khoá thành công: Nên là một ‘Generalists’ thay vì ‘Specialist’?
Tương lai thuộc về những ‘người đa năng’ (generalists) thay vì người chỉ có một khả năng chuyên môn cụ thể nào đó (specialist)
Có một câu nói nổi tiếng: “Với một người đàn ông cầm một cây búa, mọi người sẽ nghĩ là anh ta sắp đóng đinh và anh ta cũng chỉ có thể đóng được đinh”. Nhưng sẽ thế nào nếu anh ta có cả búa, cơ lê hay tuốc nơ vít? Vào lúc đó, tuỳ vào vật tiếp xúc là gì mà anh ta có thể sử dụng công cụ phù hợp để hành động. Điều này thể hiện rằng “chuyên môn sâu” không phải là điều vô nghĩa. Chỉ mang mỗi búa không phải là vấn đề. Chỉ là thế giới hiện đại ngày càng thay đổi chóng mặt khiến những người sở hữu nhiều công cụ nhất sẽ hoạt động tốt hơn, nổi bật hơn và phản ứng nhanh với những vấn đề bất trắc xảy đến. Có thể nói rằng, “nhanh” và “linh hoạt” là hai từ khoá, hai tính từ chỉ tính cách quan trọng trong bối cảnh hiện giờ.
Người đa năng là người như thế nào?
Người đa năng được hiểu là những người có khả năng làm tốt ở mức độ nhất định, thường là từ mức độ trung bình trở lên, đối với nhiều lĩnh vực, công việc hay nhiệm vụ. Họ không chỉ giỏi ở một khía cạnh, họ giỏi ở nhiều khía cạnh. Và thế giới đang chiêu mộ cũng như đề cao những người như vậy. Một tin tức mà bạn dung nạp mỗi ngày từ sách báo, đài truyền hình không chỉ có những liên quan đến những chuyên môn bạn làm việc, mà còn nhiều vấn đề xã hội khác. Bạn có thể không là một chuyên gia Marketing nhưng vẫn đăm chiêu, suy ngẫm trong những “case study” liên quan đến Marketing – một ngành nghề đang nóng hiện nay.
Người đa năng hoàn thiện và phát triển bản thân ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đảm bảo sao cho khi có một tình huống bất ngờ xảy đến, họ sẽ vận dụng tất cả mọi mặt họ học được để giải quyết nhanh chóng và hiệu quả nhất. Thực tế cho thấy một CEO, một nhà lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ giỏi về lĩnh vực họ đang kinh doanh hay kỹ năng lãnh đạo, mà còn phải giỏi kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm,… Một nhà làm kinh tế ngày nay muốn hội nhập không chỉ đòi hỏi chuyên môn mà còn khả năng ngoại ngữ, những hiểu biết, am hiểu nhất định về đối thủ, về nền kinh tế thế giới, tự do hoá thương mại,…
Một người cái gì cũng biết, cái gì cũng có sự tìm hiểu và học hỏi sẽ dễ dàng xử lý và hoàn thành công việc một cách tối ưu nhất. Sự toàn diện mọi mặt giúp họ làm tốt và nhanh hơn, tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức đồng thời nhận được sự nể phục từ mọi người.
Thành công trong sự nghiệp của những người đa năng
Hiện nay, nhiều công ty hướng tới việc tìm kiếm những ứng viên tuyển dụng có kinh nghiệm, kỹ năng đa năng. Điều này là dễ hiểu đối với sự thay đổi trong cách thức tổ chức và hoạt động của nền kinh tế thị trường ngày nay. Một ví dụ điển hình là sự nhảy từ nhóm này sang nhóm khác của các nhân viên Google như “cơm bữa”. Lisa Stern Hayes – một trong những nhà tuyển dụng hàng đầu làm việc tại Google, đã chia sẻ trong podcast rằng họ đánh giá cao những ứng viên có khả năng vượt qua cả chuyên môn, lĩnh vực mà ứng viên đang sở hữu, vận dụng những kỹ năng liên quan để giải quyết tình huống do nhà tuyển dụng đưa ra. Bà cũng cho biết thêm: “Hãy nhìn vào tốc độ phát triển của Google. Nếu chúng tôi chỉ thuê một người làm một công việc cụ thể, nhưng sau đó công ty cần thay đổi, chúng tôi cần yên tâm rằng người đó sẽ tự tìm kiếm những việc khác để làm tại Google. Điều đó quay trở lại việc chúng tôi sẽ chỉ tuyển dụng những người đa năng thông minh”.
Người đa năng có nhiều cơ hội hơn trong thị trường việc làm, được chiêu mộ và săn đón nồng nhiệt hơn. Bên cạnh đó, họ cũng dễ dàng xoay chuyển bản thân khi ngành nghề hay lĩnh vực mình định hướng đi lùi hay gặp trục trặc như khó kiếm được việc, quá tải lực lượng hay độ “hot” của ngành giảm xuống. Điều này giúp họ linh hoạt thích nghi với môi trường liên tục thay đổi.
Tương lai không chỉ cần một người có kỹ năng, chuyên môn mà còn cần tư duy và sự thích ứng, hay lối tiếp cận với những biến đổi xung quanh thế giới mà A.I và công nghệ ngày càng phát triển. Thật vậy, để thành công hãy là một ‘Generalists’ thay vì ‘Specialist’! Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp bạn có lối tư duy mới, đúng đắn và phù hợp hơn với thời đại đồng thời lựa chọn được hướng đi sự nghiệp thành công.
>> Xem thêm: 5 câu nói bị đồng nghiệp chê “kém duyên”, cần né ngay!
— HR Insider—
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.