1. Điểm danh những nỗi niềm bất công hầu như ai cũng gặp phải
Cống hiến nhiều thời gian và sức khỏe cho công việc nhưng chẳng bao giờ bạn được sếp hỏi thăm.
Có lẽ, trăm lần cố gắng thì những lần bạn được sếp tuyên dương hay hỏi thăm mới thực sự khiến bạn cảm thấy công sức mình bỏ ra có ý nghĩa. Tuy nhiên trong môi trường doanh nghiệp với hàng trăm, hàng nghìn nhân sự cần quản thì việc hỏi thăm sức khỏe hay tình trạng của bạn sẽ không nằm trong danh mục ưu tiên của cấp trên. Nhiều trường hợp nhân viên không được ghi nhận dù đã dành rất nhiều thời gian cho công việc khiến họ trở nên sa sút hoặc trầm cảm. Một phần vì sức khỏe suy kiệt do quá tập trung vào công việc, một phần do lo lắng không biết sự cố gắng của mình liệu có được ghi nhận hay không.
Nhận những lời phê bình mang tính chỉ trích hơn là góp ý cải thiện.
Việc góp ý hay phê bình là điều thường thấy ở môi trường công sở. Có lúc bạn sẽ được nghe sếp nhắc nhẹ nhàng, hoặc trong tình huống dầu sôi lửa bỏng hơn là những lời nói có âm lượng cực cao, sắc bén và chắc nịch. Nói nôm na là nghe chửi. Bị sếp la tất nhiên là áp lực, nhưng cách sếp la còn khiến nhân viên áp lực hơn. Cụ thể là khi lời “góp ý” mang tính công kích hay miệt thị, chê bai năng lực của bạn.
Sếp chẳng bao giờ sai
Con người ai mà chẳng mắc sai lầm. Trong công ty, sếp phải có lúc sai lầm để ngầm khuyến khích mọi người hãy cứ mạo hiểm và chấp nhận rủi ro. Người mà luôn cho mình đúng sẽ không được lòng nhân viên.
Bảo thủ và không tiếp nhận quan điểm của nhân viên
Sếp tồi sẽ là những người cố gắng để gạt bỏ quan điểm của bạn trong mọi hoàn cảnh và mong muốn bạn chỉ làm những gì họ đề xuất. Đây chắc chắn là một người sếp bảo thủ và sẽ kìm hãm không ít sự phát triển chuyên môn của bạn khi làm cho công ty.
2. Vậy làm thế nào nếu bạn gặp phải những bất công như trên?
Giống như đã đề cập trước đó trong bài viết “Top những thứ có trên JD nhưng thực tế thì chưa chắc”. Những gì bạn thấy trên mô tả công việc sẽ không bao gồm hết những thực tế trong môi trường mà bạn sẽ làm. Vì vậy, thay vì bị shock văn hoá và tìm cách lẩn trốn (giải pháp cuối), hãy cùng Vietnamwork dạo qua một số hướng giải quyết sau đây. Từ đó giúp bạn giữ được tinh thần ổn định và mạnh mẽ trong môi trường việc làm đầy sóng gió và bất công nhé.
Hãy hoàn thành tốt mục tiêu công việc của bạn
Cách để bạn tạm thời quên đi những khó chịu gây ra bởi sự bất công là ưu tiên thời gian và sức lực của bạn cho công việc. Hãy làm nó một cách nghiêm túc và mang lại kết quả tốt nhất. Điều này khiến cho dù sếp có đối xử bất công hay thờ ơ với bạn, thì kết quả công việc sẽ là vũ khí bí mật giúp bạn phản kháng lại.
Thẳng thắn giải thích với sếp
Sau khi đã tìm hiểu kỹ và thấy cần giải thích với sếp, hãy thẳng thắn lên tiếng. Sự im lặng và chịu đựng của bạn sẽ khiến vấn đề mãi ở đó không được giải quyết. Điều tồi tệ hơn là vị sếp tồi của bạn sẽ nghĩ đó là điều đương nhiên và không có gì to tát với bạn. Hãy thẳng thắn nói lên suy nghĩ của bạn để xem sếp trả lời như thế nào. Phản ứng tích cực là bạn được lắng nghe và sếp của bạn chấp nhận cải thiện. Ngược lại nếu sếp khăng khăng phản bác và đổ lỗi cho bạn, hãy xem xét đến lựa chọn tiếp theo .
Lựa chọn ở lại hay rời đi
Nếu bạn cảm thấy tình hình quá tồi tệ, ảnh hưởng đến tinh thần và công việc của mình, hãy tìm một môi trường khác lành mạnh hơn. Nếu vẫn tiếp tục ở lại, hãy tìm ra cách giải quyết cho chính mình để chấm dứt hoặc giảm thiểu những cảm xúc/ suy nghĩ tiêu cực mà bạn đang phải trải qua.
Trong quá trình làm việc không phải lúc nào bạn cũng có thể khiến mọi người đều nhìn thấy đóng góp của mình, đặc biệt là cấp trên. Giao tiếp với sếp đã khó, nói “sếp sai rồi” lại càng khó hơn và chứng minh lỗi sai của sếp có thể khiến bạn đối mặt với tình trạng mất việc. Dẫu vậy, đừng bao giờ im lặng, sự im lặng trước những bất công sẽ ngăn cản sự phát triển của chính bạn mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của phòng ban.
Hy vọng những chia sẻ trên từ Vietnamworks sẽ giúp bạn có cách ứng xử chuyên nghiệp nhất khi phải đối mặt với tình huống oan ức, bất công. Bên cạnh đó, bạn hãy không ngừng rèn luyện để bản thân trở nên hoàn thiện hơn, từ đó nhận được sự tín nhiệm từ sếp và các đồng nghiệp xung quanh mình.
Xem thêm: Rơi vào tiêu cực khi bị “rớt” phỏng vấn, cần làm gì lúc này?
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.