adsads
Untitled design 1
Lượt Xem 22 K

Thuyết trình không chỉ là lúc bạn tỏa sáng trên sân khấu, mà còn cả một quá trình chuẩn bị quan trọng trước đó nữa. Hy vọng với sự giúp sức sau đây từ 16 lời khuyên của TED Talk, bạn sẽ năng cao kỹ năng thuyết trình và trở thành diễn giả thành công.

 

1. Khai thác sức mạnh từ cảm xúc thực sự

Nhiều diễn giả thường kể về những sai lầm của họ trong quá khứ, nhưng điều này sẽ là dư thừa nếu bạn chỉ thông qua đó để cho thấy sự việc nghiêm trọng như thế nào. Thay vì thế, hãy đặt cảm xúc của mình lúc đấy vào câu chuyện. Nếu bạn đã buồn, đã khóc hay cảm thấy hối tiếc ra sao, hãy kể lại chân thực như vậy. Khi đó, bạn sẽ tạo ra một sợi dây liên kết tức thì và lâu dài với khán giả.

 

2. Luôn có một mục tiêu thứ yếu

Giả sử bạn là người đại diện cho một tổ chức từ thiện đến trình bày về việc gây quỹ, nhưng có vẻ bài phát biểu của bạn không mấy hiệu quả vì sự chú ý của mọi người đang giảm sút không phanh. Gặp phải trường hợp này, chúng ta thường gượng ép bản thân để tiếp tục trình bày hoặc đơn giản là bỏ cuộc. Nếu mục tiêu ban đầu của bạn trở nên bất khả thi thì đừng ngần ngại bẻ lái sang một giá trị ý nghĩa khác.

Khi không nhận được những gì mình thực sự mong muốn, hãy nghĩ đến điều mà bạn có thể đạt được, giữ cho mình thái độ tích cực và tập trung để hoàn thành thật tốt phần trình bày.

 

3. Mang đến cho khán giả những hướng dẫn cụ thể

Hãy đưa ra chỉ dẫn chi tiết để người nghe dễ dàng ứng dụng ngay. Thông điệp bạn đang truyền tải có thể khá lôi cuốn, nhưng người nghe sẽ đánh giá cao hơn nếu được hướng dẫn bằng một cách hữu hình để họ có thể áp dụng ngay vào đời sống thực tế.

Nếu bạn có thể truyền cảm hứng đến người nghe, đó là một điều tuyệt vời, nhưng tính ứng dụng mới là yếu tố quyết định. Hãy mạnh dạn nói rằng “Hôm nay bạn cần phân tích thật cặn kẽ về vấn đề của nhân viên A và cho tôi biết hướng giải quyết của bạn vào ngày mai”.

 

4. Đừng ngần ngại trả lời câu hỏi

Câu hỏi chính là dấu hiệu tốt, chứng tỏ rằng ai đó đang lắng nghe bạn. Hãy nhanh chóng nắm bắt cơ hội này nhé. Nếu câu trả lời nằm ở phần còn lại của bài thuyết trình thì bạn có thể gợi ý tinh tế để người nghe chú ý vào phần sau.

Một bài thuyết trình hay cũng giống như một buổi trò chuyện, ngay cả khi nó chỉ đến từ một phía…Vì thế, kỹ năng thuyết trình không thể thiếu chính là đừng bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để thúc đẩy sự tương tác giữa người nói và người nghe.

 

5. Nạp đầy đủ nhiên liệu cho mình

Chất Dopamine và Epinephrine sẽ giúp tinh thần tỉnh táo. Cả hai đều sản sinh từ Tyrosine, một loại axit amin có trong protein. Vậy nên hãy đảm bảo đủ lượng protein cần thiết trong bữa ăn của bạn. Đừng đợi đến khi bắt đầu thấy lo lắng mới nhớ đến việc phải ăn uống đầy đủ nhé.

 

6. Loại bỏ “cortisol”

Cortisol được tiết ra bởi tuyến thượng thận khi bạn lo lắng. Mức Cortisol cao sẽ hạn chế sự sáng tạo và khả năng xử lý những thông tin phức tạp, thậm chí bạn không thể tương tác được với khán giả của mình. Để loại bỏ Cortisol, bạn nên tập thể dục trước khi bắt đầu, đi dạo lúc nghỉ trưa hay vận động nhẹ trước buổi thuyết trình.

 

7. Chuẩn bị 2 kế hoạch dự phòng

“Sẽ như thế nào nếu như…?” chắc chắn là câu hỏi ám ảnh nhất của bạn. Điều gì sẽ xảy ra nếu bài thuyết trình thất bại, ai đó liên tục ngắt quãng, hay sự mở đầu không suôn sẻ? Hãy chọn ra hai nỗi sợ lớn nhất và xây dựng sẵn kế hoạch dự phòng. Những tình huống này sẽ dễ dàng được xử lý nếu trước đó bạn đã lường trước nguy cơ và xây dựng kế hoạch dự trù.

 

8. Đảm bảo mọi thứ đã “sẵn sàng”

Nhiều người thường dựa dẫm vào những niềm tin vô hình. Tuy nhiên, đôi tất may mắn không phải là yếu tố chính giúp các vận động viên thi đấu khá hơn đâu nhé. Tốt hơn hết bạn nên tập trung vào những việc có ích như đi dạo một vòng quanh khu vực thuyết trình để kiểm tra hệ thống âm thanh hoặc chạy thử slide trình chiếu xem thế nào… Dám chắc bạn sẽ thấy tự tin hơn nhiều vì đã quá quen thuộc với mọi thứ xung quanh.

 

9. Áp dụng liệu pháp “gây ngạc nhiên”

Hãy thử gây hứng thú cho người nghe bằng điều gì đó mà phần lớn họ chưa biết. Ví dụ “Ai ở đây biết rằng khi chúng ta đỏ mặt, lớp niêm mạc ở dạ dày cũng sẽ đỏ theo?”. Khán giả bên dưới chắc chắn sẽ “Ồ” lên kinh ngạc đấy. Nhưng chú ý đừng đi quá xa, hãy chỉ dùng những điều thú vị hay những phép so sánh có liên quan đến chủ đề bạn đang muốn trình bày thôi nhé.

 

10. Cho người nghe thấy lợi ích họ sẽ nhận được thay vì tập trung vào những gì bạn muốn

Đừng lạm dụng việc thuyết trình để quảng cáo sản phẩm, mở rộng mạng lưới kinh doanh. Điều đó chỉ làm bạn thêm căng thẳng hơn thôi. Hãy chỉ tập trung làm sao cho người nghe thấy được những lợi ích đằng sau câu chữ của bạn, như thế là đủ.

Thành công không nằm ở số tiền bạn kiếm được bao nhiêu mà là ở sự thay đổi tích cực bạn tạo ra trong cuộc sống của người khác.

 

11. Ngừng biện hộ cho những sơ sót của mình

“Tôi không có nhiều thời gian để chuẩn bị…”, “Tôi không giỏi về điều này…” Đừng cố tìm cho mình một cái cớ hợp lý. Có thể người nghe không phản bác, nhưng họ sẽ nghĩ “Vậy tại sao bạn lại lãng phí thời gian của tôi?” Để chuyện này không xảy ra, bạn cần chuẩn bị thật tốt cho phần trình bày của mình.

 

12. Thiết kế slide trình chiếu một cách tối giản

Một mẹo nhỏ của kỹ năng thuyết trình mách bạn về thiết kế slide: Sử dụng kích thước chữ lớn gấp đôi độ tuổi trung bình của khán giả, thường sẽ dao động trong khoảng từ 60 đến 80. Đừng chèn nhiều chữ hơn trên một slide, mà hãy lược lại và chỉ chọn hiển thị những ý chính.

 

13. Đừng đọc slide trình chiếu

Người nghe bên dưới có thể theo dõi nội dung tóm tắt từ màn hình. Tốt nhất là bạn nên tập trung vào khán giả của mình thì hơn. Các slides nội dung chỉ nên tóm tắt các ý chính, không nên quá nhiều chữ.

 

14. Tập trung thu hút sự chú ý của khán giả

Hãy bỏ qua cái cách cũ rích là yêu cầu người nghe tắt điện thoại (vì chỉ cần bạn trông sáng sủa, thu hút người nhìn thì tự khắc họ sẽ làm điều đó thôi). Hãy tập trung đầu tư cho bài thuyết trình của bạn thêm hấp dẫn hơn và có thể truyền cảm hứng đến mọi người.   

Khán giả không có bổn phận phải lắng nghe, do đó nhiệm vụ của bạn là làm sao để cuốn họ vào phần trình bày của mình.

 

15. Lặp lại nhiều lần những điểm quan trọng

Người nghe chỉ nhớ 50% những gì bạn truyền tải và sẽ lọc lại thông tin theo cách riêng của họ. Do đó tốt hơn hết là nên lặp đi lặp lại những ý chính nhiều lần. Đầu tiên, bạn hãy đưa ra quan điểm, giải thích rõ ràng, sau đó cho ví dụ để người nghe dễ dàng mường tượng và cuối cùng là tổng hợp, đúc kết ra một quy trình chung.

Không ai có thể nhớ được tất cả mọi thứ và khi bạn nhắc lại chính là cơ hội để gợi nhớ cho họ. Do đó, đối với những ý quan trọng, tốt hơn hết bạn nên lặp lại nhiều lần.

 

16. Lưu ý thời gian thuyết trình

Nếu bạn có 30 phút thì chỉ nên trình bày trong 25 phút. Hãy tôn trọng thời gian của khán giả, chú ý kết thúc đúng giờ và cố gắng đầu tư cho phần trình bày của mình thật tốt để chuẩn bị cho các tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Kết thúc sớm cũng là cách để bạn dành thời gian cho các thắc mắc của khán giả, hoặc bạn có thể hẹn gặp họ trao đổi thêm sau khi chương trình hoàn tất.

Nhớ nhé! Chú ý đừng kéo dài thời gian quá nhiều.

Thuyết trình là một hình thức giao tiếp quan trọng, đặc biệt là trong công việc. Bên cạnh những điều kiện cần là đầu tư thật tốt cho phần nội dung, dành thời gian trau dồi những kỹ năng thuyết trình cần thiết, bạn nên chú ý những điểm như TED Talk đã chia sẻ, đó là những kỹ năng thuyết trình đủ để giúp có được phần trình bày hoàn hảo.

 

— HR Insider —
VietnamWorks
– Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam

adsads
Bài Viết Liên Quan

Lợi ích của việc tích lũy kinh nghiệm bạn đã biết?

Việc tích lũy kinh nghiệm không chỉ giúp bạn phát triển bản thân mà còn mở ra nhiều cơ hội trong tương lai. Hãy tận...

Tầm quan trọng của kỹ năng từ chối trong cuộc sống

Kỹ năng từ chối không chỉ giúp bạn bảo vệ bản thân mình mà còn giúp bạn xây dựng ranh giới cá nhân và duy...

Cách rèn luyện kỹ năng chịu áp lực công việc

Kỹ năng chịu áp lực công việc giúp bạn tập trung và tăng cường hiệu suất làm việc. Khi biết cách quản lý và xử...

Kỹ năng thích nghi: Chìa khóa vượt qua biến đổi và tạo nên thành công

Kỹ năng thích nghi không chỉ là chìa khóa cho sự thành công mà còn là yếu tố quan trọng để nổi bật trong môi...

Bài Viết Liên Quan

Lợi ích của việc tích lũy kinh nghiệm bạn đã biết?

Việc tích lũy kinh nghiệm không chỉ giúp bạn phát triển bản thân mà còn...

Tầm quan trọng của kỹ năng từ chối trong cuộc sống

Kỹ năng từ chối không chỉ giúp bạn bảo vệ bản thân mình mà còn...

Cách rèn luyện kỹ năng chịu áp lực công việc

Kỹ năng chịu áp lực công việc giúp bạn tập trung và tăng cường hiệu...

Kỹ năng thích nghi: Chìa khóa vượt qua biến đổi và tạo nên thành công

Kỹ năng thích nghi không chỉ là chìa khóa cho sự thành công mà còn...

Nhận bài viết qua email cùng
HR Insider – VietnamWorks.email subscribers