Làm cách nào để nhận biết được cạnh tranh lành mạnh và không lành mạnh? Cách xử lý khi phát hiện cạnh tranh không lành mạnh là gì? Tại sao nên chọn cạnh tranh lành mạnh để phát triển năng lực và nhân cách bản thân đúng đắn nhất?…
Cạnh tranh lành mạnh là gì?
Cạnh tranh lành mạnh là cạnh tranh đúng pháp luật của Nhà nước, đúng chuẩn mực đạo đức xã hội. Đây là sự cạnh tranh hợp pháp và đàng hoàng, không dùng thủ đoạn mờ ám hay bất chính để hại đối thủ. Cạnh tranh lành mạnh xuất phát từ mỗi nhân viên muốn khẳng định năng lực bản thân, muốn phát triển sự nghiệp đi lên cùng sự phát triển công ty. Góp phần thúc đẩy kinh tế thị trường phát triển mạnh, phát triển nhanh và phát triển đúng hướng tích cực.
Một nhân viên cạnh tranh lành mạnh sẽ tập trung vào việc cố gắng hoàn thành tốt mọi công việc được giao. Không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao trình độ và năng lực bản thân. Mong muốn được thể hiện và khẳng định năng lực của mình cho cấp trên thấy. Khao khát và cố gắng hoàn thiện bản thân ngày càng giỏi và giỏi hơn các đồng nghiệp khác trong công ty…
Cạnh tranh không lành mạnh là gì?
Ngược lại, cạnh tranh không lành mạnh là cạnh tranh vi phạm pháp luật của Nhà nước, làm trái chuẩn mực đạo đức xã hội. Tác động tiêu cực và làm rối loạn, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế thị trường.
Cạnh tranh không lành mạnh thường đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu. Dễ dàng nhận ra qua các dấu hiệu của nhân viên đó trong công việc, trong mối quan hệ với mọi người trong công ty. Họ thường không công nhận năng lực và thành quả của người khác, thường đổ cho sự may rủi ảnh hưởng đến kết quả công việc. Đặc biệt, họ luôn cố kết thân với cấp trên nhằm mục đích được “ưu ái” hơn trong mọi việc. Nghiêm trọng hơn là họ có thể dùng chiêu trò để chơi xấu, hãm hại đối thủ của mình…
Điều này tác động tiêu cực đến sự phát triển của công ty. Vì nhân viên đó sẽ không tập trung vào công việc, không nâng cao năng lực bản thân, mà chỉ ỷ vào cơ hội hay “cửa sau”. Đồng thời ảnh hưởng đến tâm lý các nhân viên khác. Khi sự cố gắng của mọi người không bằng vài thủ đoạn của nhân viên đó.
Xử lý như thế nào khi phát hiện cạnh tranh không lành mạnh?
Nếu phát hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tùy theo trường hợp mà có cách xử lý đúng đắn và hợp lý nhất. Nếu chỉ ở mức độ nhẹ không nghiêm trọng, bạn có thể tự can thiệp hoặc báo cấp trên giải quyết vấn đề. Nhưng nếu mức độ cạnh tranh không lành mạnh lớn và gây hậu quả nghiêm trọng, nên báo ngay với cơ quan chức năng có thẩm quyền. Có như vậy mới kịp thời giải quyết vấn đề hiệu quả và triệt để nhất.
Về phía doanh nghiệp, hãy đề cao giá trị cạnh tranh lành mạnh để hướng nhân viên đi theo sự phát triển đúng đắn. Nghiêm khắc xử lý và trừng phạt những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, để làm gương răn đe cho mọi người. Có như vậy, công ty mới ngày càng phát triển vững mạnh.
Chọn cạnh tranh lành mạnh để phát triển năng lực và nhân cách bản thân
Một nhân viên chọn cạnh tranh lành mạnh là nhân viên có sự cầu tiến và văn hóa cá nhân tốt, thẳng thắng và trung thực. Tuy nhiên, bạn sẽ thường gặp phải sự bất công trong công việc. Tại sao tôi nỗ lực làm việc và cạnh tranh công bằng, còn người ấy chỉ biết xu nịnh cấp trên và chơi xấu đồng nghiệp thì lại được lòng sếp hơn? Sự thật thì người cạnh tranh không lành mạnh đã ngầm thừa nhận họ tự ti vì thua kém về mặt năng lực. Vậy nên bạn chỉ cần thể hiện năng lực của mình, hoàn thành tốt mọi công việc được giao là được.
Cách để phát triển năng lực và nhân cách bản thân ngày càng hoàn thiện, xây dựng được sự nghiệp cá nhân vững chắc, chính là hãy cạnh tranh với chính bản thân mình của ngày hôm qua. Không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, thay vì suốt ngày lo xu nịnh cấp trên và nghĩ chiêu trò chơi xấu đồng nghiệp. Trong tương lai, bạn sẽ ngày càng phát triển còn người ấy chỉ mãi dậm chân tại chỗ, thậm chí ngày càng thụt lùi.
Trong bất kỳ môi trường làm việc nào cũng có sự cạnh tranh. Hãy nhận biết cạnh tranh nào là lành mạnh và không lành mạnh, để sớm đưa ra biện pháp xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, hãy vượt qua cám dỗ trước mắt để chọn cho mình con đường cạnh tranh lành mạnh, đúng đắn. Vì một sự nghiệp tương lai phát triển vững chắc nhất!
>> Xem thêm: Trở thành “mentor” sự nghiệp cho nhân sự rời đi, HR nhận lại được gì?
— HR Insider—
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.