Những lúc thế này, bạn sẽ luôn trằn trọc và cảm thấy muộn phiền với những suy nghĩ về công việc, về sự nghiệp và sẽ đặt ra những câu hỏi mở cho chính bản thân mình. Vậy bắt đầu lại sự nghiệp ở tuổi 30 liệu có phải là lựa chọn đúng đắn? Hãy cùng đọc bài viết này và chuẩn bị cho mình một bộ “hành trang” đầy đủ khi ra quyết định chuyển đổi công việc nhé!
Lý do rẽ hướng có hợp lý?
Khác với những thanh niên ở tuổi 20, khi còn cái “ngông” và không bị ràng buộc thì tuổi 30, ta phải đối mặt với áp lực từ nhiều phía. Vì vậy “nhảy việc” không thể là quyết định mang tính nhất thời. Bạn phải nghĩ về lâu dài xem nếu mình chuyển sang công việc mới, mình có thể đi xa được hay không, đó có thực sự là con đường mình muốn theo đuổi hay không,… Nếu làm công việc mới mà ta vẫn thấy chán nản và vô vị thì sẽ sớm rơi vào vòng luẩn quẩn sự nghiệp và không tìm thấy lối thoát như trường hợp “nhảy việc” liên tục.
Hãy tìm cho mình một lý do thật sự đúng đắn để thuyết phục chính bản thân mình và những người xung quanh. Lý do này cần được xây dựng từ nền tảng đam mê, khao khát và sự kiên trì, bền bỉ. Bạn có thể tận dụng thuyết con nhím và ba vòng tròn để đánh giá sự “ăn khớp” giữa bản thân mình và công việc mới nhé.
Chấp nhận sự đánh đổi
Quyết định rẽ hướng đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải đánh đổi rất nhiều thứ cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Có lẽ bạn sẽ khiến nhiều người thất vọng, không còn được “ưu đãi” như khi làm công việc hiện tại, đối mặt với một môi trường hoàn toàn mới, một vị trí công việc với mức lương thấp hơn,…
Những thay đổi này sẽ là những áp lực vô hình đè lên bạn khi rẽ hướng sự nghiệp ở tuổi 30. Bạn phải chuẩn bị tâm lý đủ mạnh để tự động viên bản thân mỗi khi gặp khó khăn. Suy nghĩ tích cực và lạc quan sẽ giúp bạn “dễ thở” hơn trước những nỗi lo lắng. Đức tính kiên nhẫn cũng là phẩm chất mà bạn nên rèn luyện để sẵn sàng học và phục vụ cho những điều mới, những nhà lãnh đạo trẻ,…
Hiểu về ngành nghề mới
Ngoài việc chuẩn bị về tâm lý, bạn cũng nên có một hành trang kiến thức vững chắc về lĩnh vực mới. Bạn cần tìm hiểu kỹ càng về tính chất của công việc mới, trau dồi kiến thức và những kỹ năng chuyên môn, thông tin liên quan đến nó. Hiểu về công việc sẽ giúp bạn xác định được bản thân mình có phù hợp với ngành nghề này không và cần thay đổi những gì để bắt kịp với xu hướng công việc. Nó cũng giúp bạn có nền tảng tốt và tự tin hơn khi ứng tuyển vào vị trí mới.
Vì đã có kinh nghiệm đi làm từ trước nên bạn sẽ hiểu rõ những quy trình tuyển dụng và làm việc cơ bản. Hãy nghiên cứu về công việc, tâm lý nhà tuyển dụng, xu hướng thị trường để chuẩn bị CV và màn phỏng vấn thật tốt, cho nơi làm việc mới thấy được mình là một người chuyên nghiệp. Như ở trên đã nói, bạn cần chuẩn bị một lý do thật chính đáng để phòng những câu hỏi liên quan đến việc rẽ hướng ở độ tuổi này.
Tin rằng một người đã có kinh nghiệm và những kiến thức cơ bản về công việc mới sẽ là lợi thế để bạn có thể tiếp thu và học hỏi nhanh, cũng như chịu được những áp lực của “người trong muôn nghề”.
Mở rộng mạng lưới quan hệ
Có câu “người ngoài cuộc hiểu rõ hơn người trong cuộc”. Nếu bạn đang loay hoay mà không tìm kiếm ra được lý do rẽ hướng, hãy hỏi người khác. Bạn có thể hỏi những người bạn của mình đang làm công việc liên quan đến lĩnh vực mới của bạn, hỏi xem họ có thấy bạn đủ năng lực để “nhảy việc” không. Họ là người có cái nhìn khách quan và tổng quát, có thể sẽ đem đến cho bạn một câu trả lời phù hợp.
Để mở rộng vòng quan hệ, bạn cũng nên làm quen với những “tiền bối” đang làm trong ngành để biết được thực tế công việc ấy sẽ hoạt động như thế nào. Những người đi trước là “tư liệu sống” để bạn biết thực hư về ngành nghề sau “ánh hào quang”.
Tìm “tiền bối” ở đâu ư? Hãy tận dụng những nguồn tài nguyên có sẵn của bạn, đó chính là những mối quan hệ hiện tại. Hỏi thăm đồng nghiệp, bạn bè, người thân để xem họ có biết ai trong lĩnh vực ấy không và nhờ họ kết nối.
Chọn cách mở ra một con đường mới khi cuộc sống dần đi vào quỹ đạo là một quyết định mang tính đột phá. Tương lai có thể nhiều chông gai, trắc trở nhưng bạn đừng quên Lỗ Tấn đã nói rằng: “Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Nơi nào bạn dám bước qua thì nơi đó chính là đường của bạn. Chỉ cần nỗ lực, kiên trì, không gì là bạn không làm được. Vậy thì “nhảy việc” ở tuổi 30, tại sao không?
>> Xem thêm: Kỹ năng ăn nói “Vạn người thương, triệu người mến”
— HR Insider—
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.