Nhắn tin cho tôi vào bất cứ lúc nào có việc
Khi bạn nói điều này với nhân viên của mình, có thể bạn đã tạo được hình ảnh của một người sếp thoải mái và lý tưởng. Nhưng, điều này sẽ khiến bạn rơi vào tình trạng mất tập trung trong công việc của mình bởi nhân viên luôn gọi cho bạn để hỏi ý kiến của bạn. Cuối cùng, nó sẽ gây ảnh hưởng tới hiệu quả công việc của bạn.
Thậm chí, việc bạn cho phép nhân viên nhắn tin với bạn khi có chuyện sẽ làm cản trở phát triển sự nghiệp của chính bạn và cả của nhóm bạn quản lý. Nhân viên của bạn sẽ không biết cách xử lý công việc. Khi họ gặp một chút vấn đề, họ trở nên hoảng loạn và cầu cứu bạn tới giúp họ. Về lâu dài, họ sẽ chỉ biết cách dựa dẫm vào bạn để hoàn thành công việc của họ.
Vì vậy, bạn nên để cho nhân viên của mình học cách xử lý công việc của họ. Đồng thời, bạn nên lựa chọn thời điểm hợp lý để nói về điều đó và cách họ nên thực hiện đó dựa trên mức độ khẩn cấp của vấn đề cần giải quyết.
Tôi sẽ trao đổi mọi việc với bạn
Chia sẻ là cách giúp người quản lý tạo niềm tin với nhân viên của mình, tạo ra sự gắn kết giữa các thành viên trong nhóm. Tuy nhiên, có một số việc liên quan tới bí mật doanh nghiệp là vấn đề bạn không thể và không phù hợp để chia sẻ cho người khác.
Một người làm quản lý tốt sẽ tìm được cách gắn kết mọi người trong nhóm với nhau, họ sẽ nói những điều nên nói và giữ lại những điều không nên nói ra. Hoặc, các nhà quản lý nên cởi mở, trung thực với mức độ có thể.
Khi bạn trở thành một nhà quản lý, bạn cần phải cẩn trọng khi chia sẻ những chi tiết. Bạn không muốn trở thành một nhà quản lý lạnh lùng, bạn muốn trở nên gần gũi với mọi người. Tuy nhiên, bạn có thể coi nhân viên cấp dưới trực tiếp như người bạn và thân thuộc để có được thiện cảm từ họ, thay vì bạn đi chia sẻ những điều không nên nói của doanh nghiệp. Bạn có thể hiện sự gần gũi với nhân viên của mình bằng cách chia sẻ những thông tin cá nhân như: sở thích,… hoặc bạn có thể chọn cách xưng hô gần gũi với nhân viên.
Hứa mà không chắc làm được
Những lời hứa như “Để tôi giải quyết chuyện này” là những câu bạn không nên nói với nhân viên. Vì việc này sẽ tạo nên những hy vọng hão huyền rằng bạn có thể đáp ứng được mọi yêu cầu của nhân viên.
Thế nhưng, không phải việc nào hay yêu cầu của cấp dưới mà bạn có thể đáp ứng họ hoàn toàn được. Ví dụ: nhân viên của bạn yêu cầu tăng lương và bạn chỉ là người quản lý trực tiếp của họ mà không phải là người nắm rõ ngân sách hay là người có quyền quyết định cuối cùng. Chính vì thế, việc hứa hẹn tăng lương cho nhân viên là điều không thể thực hiện được.
Để giải quyết ổn thỏa yêu cầu của nhân viên, bạn có thể lựa chọn cách giải thích những kỳ vọng của họ một cách khéo léo hơn như “Tôi sẽ nói chuyện với cấp trên và truyền đạt quyết định của sếp cho bạn.” Cách nói này sẽ làm nhân viên hiểu rõ hơn, tránh tạo ra sự thất vọng cho cấp dưới.
Bỏ qua chi tiết nhỏ
Nếu bạn là nhân viên, việc của bạn là tập trung vào từng chi tiết nhỏ trong công việc hoặc bạn đi sâu vào những vấn đề chi tiết trong công việc, thì điều này giúp bạn trở thành một nhân viên xuất sắc. Tuy nhiên, nếu bạn đứng trên cương vị là một người quản lý, việc chú trọng sâu vào một vấn đề sẽ làm kém đi hiệu suất làm việc của nhóm.
Tất nhiên, điều này không có nghĩa là người quản lý không cần coi trọng chuyên môn, bỏ qua tiểu tiết. Là một người quản lý tốt, bạn cần phải có tư duy chiến lược, vận hành.
Điều mà các thành viên muốn thấy ở một nhà quản lý, đó là khả năng kết nối, tư duy kế hoạch lớn. Những người mới làm quản lý thường quá chú trọng những chi tiết hoàn thành công việc. Và việc này sẽ khiến họ bị gán mác là người tư duy hẹp, tầm nhìn thiển cận.
Việc này không quá nghiêm trọng
Khi mới trở thành người quản lý, ai cũng mong mình sẽ là một người lãnh đạo được mọi người yêu mến. Vì thế, họ thường e ngại việc phải chỉnh sửa hoặc phản hồi lại nhân viên. Do đó, họ thường dùng các cụm từ như “Việc này không quá nghiêm trọng”, “Đây không phải là vấn đề lớn”,…Với mục đích để làm giảm bớt sự căng thẳng cho cả hai.
Đây chỉ là một cách trấn an hời hợt, việc sếp nói điều này với họ sẽ chỉ càng khiến họ thêm rối. Nhân viên sẽ thắc mắc nếu như đây không phải là một vấn đề lớn thì tại sao sếp lại nhắc với họ. Hoặc, ngay cả khi đây là một cuộc trò chuyện nghiêm túc về công việc, sếp nói điều này với nhân viên thì họ sẽ càng thêm bối rối vì không biết điều chỉnh gì trong công việc nữa.
Thế nên, cách nói này sẽ làm giảm đi sự uy tín hay sức nặng của những điều mà bạn nói từ trước. Thay vào đó, sếp nên thẳng thắn về vấn đề chia sẻ trong công việc hơn. Bạn có thể nói câu dưới đây vừa để trấn an nhân viên và cũng nhấn mạnh được vấn đề bạn muốn chia sẻ cho họ: “Tôi không muốn bạn nghĩ mình làm không tốt, nhưng tôi muốn nói về điều này với bạn,..”
Để trở thành một nhà quản lý giỏi là điều không dễ dàng, bạn cần rèn luyện hàng ngày. Đặc biệt hơn, bạn cần nên tránh nói những điều mà VietnamWorks vừa liệt kê ra nhé! Chúc bạn áp dụng thành công trong công việc của mình.
Xem thêm: Góc bất công: trăm việc làm tốt sếp không hay, một việc làm sai sếp đánh giá tồi
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.