1. Những lầm tưởng về sự tự tin
Trước tiên, hãy thử định nghĩa lại khái niệm “tự tin” ở bạn. Đã bao giờ bạn nghĩ rằng một người tự tin là khi sẵn sàng show-off hay biết cách nói chuyện rôm rả, “nhai mic” ở cuộc họp, hội thảo? Hay là người đó phải biết mặc thật đẹp, make thật xịn và luôn trở thành tâm điểm giữa đám đông bởi ngoại hình thu hút?
Điều này không hẳn sai, nhưng cũng không thật sự đúng trong mọi trường hợp. Những thứ vừa liệt kê ở trên chỉ là một phiên bản nào đó của sự tự tin, thứ mà bạn có thể dễ dàng dễ thấy ở bên ngoài. Nhiều người vì hiểu sai về khái niệm này nên thường lầm tưởng tự tin phải đi kèm với khoa trương, phô diễn. Trên thực tế, có một dạng tự tin khác để lại ấn tượng sâu sắc hơn chính là “tự tin thầm lặng”.
2. Tự tin – không phải lúc nào cũng cần ồn ào
Vậy “tự tin thầm lặng” là gì? Đây thực chất là một trạng thái thấu hiểu giá trị bản thân đến mức không cần phải ồn ào chứng minh. Những người này sẽ không nỗ lực giành chiến thắng ở những cuộc trò chuyện. Thậm chí, họ không phải thao thao bất tuyệt nhưng mỗi khi lên tiếng, những người khác đều chăm chú lắng nghe.
Giữa một thế giới mà ai cũng muốn ồn ào để thể hiện bản thân, “tự tin thầm lặng” như một nét chấm phá đặc biệt. Bởi lẽ, họ không cần cố gắng chiếm spotlight khi bản thân đã là “ánh sáng” khiến ai cũng phải ngắm nhìn. Bằng một phong thái từ tốn, bình tĩnh, chỉ cần cái gật đầu từ họ là bạn sẽ cảm thấy an tâm. Hoặc khi họ đưa ra lời góp ý, bạn sẽ không ngần ngại lắng nghe cho đến cuối cùng. Những người này càng thật sự được trân quý trong một thời đại người giỏi thì hay kiệm lời, còn “thùng rỗng” lại “kêu to”.
3. Rèn luyện “tự tin thầm lặng”
“Tự tin thầm lặng” chính là một nghệ thuật mà không phải ai sinh ra cũng sở hữu. Song, bạn hoàn toàn có thể rèn luyện nó thông qua những phương pháp như sau:
- Tập trung xây dựng kỹ năng: Thay vì chỉ chăm chăm tìm kiếm sự khen ngợi, bạn hãy tập trung nâng cao những kỹ năng của bản thân. Chấp nhận rằng bản thân không hoàn hảo và nỗ lực phát triển mỗi ngày là cách đầu tư sự tự tin trong bạn.
- Học cách hành động hơn là nói: Nói quá nhiều về dự định của bạn sẽ làm mất thời gian cho những việc đáng ra nên được ưu tiên. Vì thế, hãy chú trọng chứng minh bằng hành động và kết quả sẽ nói lên tất cả.
- Trau dồi ngôn ngữ cơ thể: Không nhất thiết phải “đao to búa lớn”, bạn vẫn sẽ khiến người khác ấn tượng bằng những ngôn ngữ cơ thể đầy tính dứt khoát. Những chi tiết nhỏ như nhìn thẳng, ngẩng cao đầu sẽ khiến người khác dễ bị thuyết phục.
- Yêu bản thân mình nhiều hơn: Một người chỉ có thể tự tin khi họ biết cách yêu bản thân mình. Do đó, hãy không ngừng nâng cấp và hình ảnh của bạn sẽ luôn tràn đầy năng lượng tích cực trong mắt người khác.
- Đón nhận mọi góp ý, phản hồi: Những người có tâm thế tự tin thường sẽ không né tránh những góp ý mang tính xây dựng. Bởi lẽ, họ sẽ xem đây là cơ hội để ngày càng hoàn thiện bản thân hơn.
4. Khi nào nên “thầm lặng” và khi nào nên “cất tiếng”?
Trong quá trình rèn luyện sự tự tin thầm lặng, một lưu ý cho bạn là đừng lúc nào cũng chỉ im lặng. Thay vào đó, hãy biết “cất tiếng” đúng lúc vì nó còn quan trọng hơn cả việc nói nhiều hay nói ít. Cụ thể, hãy “thầm lặng” khi bạn vẫn chưa chắc chắn về những quan điểm của mình hay muốn dành thời gian để lắng nghe ai đó. Trong một số trường hợp xảy ra tranh luận ồn ào, hãy lùi lại quan sát để có cái nhìn đa chiều hơn.
Vậy thì khi nào nên “cất tiếng”? Đó là lúc lợi ích tập thể cần được đảm bảo bằng một quan điểm nhất quán hay có người nào đó nói sai sự thật về bạn. Lúc này, hãy đừng ngại trình bày ý kiến của mình một cách dứt khoát, từ tốn mà rõ ràng. Có thể nói, một người tự tin thầm lặng thật sự sẽ kiên nhẫn để im lặng nhưng cũng bản lĩnh để nói ra. Bởi lẽ, họ hiểu rằng một sự im lặng đúng thời điểm còn có trọng lượng hơn cả ngàn lời nói.
Tự tin thầm lặng không thể hiện qua những phô trương bên ngoài mà chính là ở khí chất bên trong. Điều này không phải ai cũng có thể trau dồi được ngày một ngày hai mà là cả một quá trình tìm kiếm giá trị. Khi tự tin xuất phát từ sâu thẳm bên trong tâm hồn thì bạn sẽ luôn tỏa sáng ở bất cứ hoàn cảnh nào!
Xem thêm: Không hợp nhưng vẫn phải phối hợp: 5 mẹo làm việc với đồng nghiệp thiếu thiện cảm!
— HR Insider—
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.