Khi đi phỏng vấn hay kể cả khi đã đi làm, ắt hẳn bạn đã từng nghe sếp hoặc cấp trên hỏi về dự định gắn bó lâu dài của bạn với công ty. Đây là một câu hỏi dễ đưa ta vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, trả lời có hay không đều phải xét đến nhiều khía cạnh, yếu tố khác nhau.

Vậy khi được sếp hỏi về dự định gắn bó với công ty, chúng ta nên trả lời như thế nào cho thỏa lòng? Hãy cùng VietnamWorks lắng nghe câu chuyện của anh Châu Lê – COO của Đậu Má Mix kiêm Founder của Cộng đồng “Mar cũ chào Mar mới” và học hỏi cách ứng xử trong tình huống tương tự nhé!

Câu trả lời về dự định gắn bó dài lâu

“Hồi 2019 anh Founder bên There VND Then (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) có hỏi mình: “Do you plan to have a long-term commitment with us?”. Cũng hên là lúc đó đi làm được một thời gian rồi mới đủ “căn cơ” để trả lời câu hỏi này, vì đây không phải câu hỏi Yes/No, trả lời một trong hai là kiểu gì cũng mang tiếng thảo mai hoặc mất điểm” – anh Châu Lê.

Đối với câu hỏi về sự gắn bó với công ty, nếu bạn trả lời là có và rất sẵn lòng, bạn đã vô tình tạo ra một ràng buộc cho mình với doanh nghiệp. Nếu vì một lý do nào đó mà bạn phải rời đi, mọi người có thể đánh giá bạn là người không giữ lời hứa. Ngược lại, nếu bạn trả lời là không muốn gắn bó thì lại còn tệ hơn, sếp có thể có cái nhìn không mấy tích cực về bạn cũng như cảm thấy bạn là người không đáng tin cậy.

Anh Châu chia sẻ về cách mà anh ấy đã trả lời cho câu hỏi này như sau: “Dĩ nhiên em không dám hứa vì mới làm việc có 03 tháng nên nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố cả bên trong như nội bộ công ty, định hướng cá nhân, gia đình,… lẫn bên ngoài như thị trường thay đổi, tiềm năng phát triển,… nhưng một điều chắc chắn là hiện tại em vẫn đang thích và muốn phát triển cùng công ty.

Tới đây thì mình thấy ảnh gật gù rồi nên mình tiếp tục:

Em vẫn đang phát triển các dự án ngắn hạn cùng công ty nên ít nhất trong 6 – 9 tháng tới em vẫn sẽ nghiêm túc với công việc và cho tới khi em không còn tạo ra giá trị cho công ty. Ngoài ra, gắn bó lâu dài hay không không quan trọng bằng việc em mang lại giá trị gì cho công ty và nếu có rời đi cũng sẽ rời đi một cách văn minh với tinh thần sẵn sàng hỗ trợ mọi người, không để công ty bị ảnh hưởng vì em cũng không muốn đạp đổ thứ mình đã góp phần phát triển”.

Có thể thấy với cách trả lời trên, bạn sẽ không đưa bản thân vào thế khó khi hứa sẽ đồng hành cùng công ty dài lâu, bạn cũng không lo làm mất lòng cấp trên của mình.

Kinh nghiệm trả lời sao cho hài lòng

Theo chia sẻ từ anh Châu dựa trên những kinh nghiệm thực tế thì với những dạng câu hỏi này, câu trả lời thường nằm ngay trong chính câu hỏi, do đó bạn cần phải tìm hiểu nhu cầu thực sự của người đặt câu hỏi. Do đó, bạn cần phải ghi nhớ một số lưu ý sau:

–   Trả lời nước đôi nhưng vẫn phải đứng ở cả hai phía để phân tích, đừng trả lời lập lờ như kiểu “Em thấy cả hai đều được” hoặc “Hên xui ai biết ngày mai ra sao” vì nó không rõ ràng và không đúng trọng tâm.

–   Những câu hỏi mang tính tương lai bất định thì không trả lời khẳng định, không có điều gì tuyệt đối, chỉ có tư duy tại thời điểm đó mang tính tuyệt đối. Chỉ cần thể hiện mình đang nghiêm túc và tận tâm với công việc ở thời điểm hiện tại.

–   Cái mà người đặt câu hỏi muốn nghe không phải là “Em sẽ gắn bó mãi mãi”, mà là sự cam kết (Commitment) về các giá trị mang lại (Value-driven) cho công ty và chỉ số hài lòng (Employee satisfaction index) dành cho công việc này..

–  “Nếu không còn gắn bó thì công ty/những dự án mình đang làm sẽ như thế nào?”. Để phòng tránh rủi ro bản thân gây ra, hãy tự trả lời trước câu hỏi này để mang lại sự yên tâm cho doanh nghiệp và trách nhiệm của bản thân.

“Bây giờ nghĩ lại thì vẫn thấy câu này hơi “khoai” và đối với mình không có sự trung thành nào là tuyệt đối, nếu có thì là sự trung thành với lợi ích cá nhân thôi. Nên thay vì hỏi câu đó thì mình chọn ký Hợp đồng lao động và Cam kết bảo mật NDA, ràng buộc bằng pháp luật”.

Dựa trên những chia sẻ trên từ anh Châu Lê, hy vọng các bạn có thể chuẩn bị được cho mình cách trả lời tốt nhất đối với câu hỏi khó này. Ngoài ra bạn cũng đừng quên rằng, giả dối sẽ rất dễ bị phát hiện, chỉ có sự chân thành mới là điều giá trị nhất. Do đó, hãy học cách trả lời sao cho phù hợp với cả giá trị, định hướng của bản thân cũng như nhu cầu của doanh nghiệp nhé!

Xem thêm: Quản trị thời gian – Sử dụng 24 giờ sao cho hợp lý?

— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam

Nhận bài viết qua email cùng
HR Insider – VietnamWorks.email subscribers