Trên thị trường lao động hiện nay, có rất nhiều anh chị đi trước đã chia sẻ về cách viết CV sao cho chuẩn chỉnh. Tuy nhiên bạn đã viết CV như thế nào cho “đúng” hay chưa? Theo chia sẻ từ chị Khánh Linh – Ex-Interim Assistant Manager, Financial Planning & Analysis (Phó Quản lý Phân tích và Lên Kế hoạch Tài chính) tại Hilton UK & Ireland thì định nghĩa viết CV “đúng” không phải là ranh giới phân định trắng đen rõ ràng, mà ở đây nó sẽ phụ thuộc vào thị trường lao động, đánh giá của nhà tuyển dụng đọc CV cũng như thuật toán của các chương trình AI tự động phân tích CV.

Vậy thì đâu là những bước viết CV để đáp ứng được tất cả những điều trên? Hãy cùng VietnamWorks học hỏi kinh nghiệm từ chị Khánh Linh ngay tại bài viết này nhé!

 

Theo chị Khánh Linh chia sẻ, nguyên tắc của việc trình bày CV là đảm bảo nhà tuyển dụng có thể tìm thấy thông tin họ muốn tìm trong thời gian vài giây trên hồ sơ của bạn. Do vậy, bạn chỉ cần viết CV riêng cho từng vị trí ứng tuyển và chỉ cần đề cập những điều liên quan nhất.

Ngoài ra các bạn cũng cần chú ý đến cách viết thông tin trong CV. Một số nguyên tắc cơ bản mà bạn cần tuân thủ như là: 

–  Không viết cả một đoạn văn dài.

–  Luôn bắt đầu chấm đầu dòng với một động từ, không cần viết một câu hoàn chỉnh với đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ, vì để tiết kiệm chỗ và không bị dư thừa câu chữ.

–  Luôn chia động từ ở thì quá khứ đơn vì đây là nơi bạn viết những điều mình đã làm.

–  Hạn chế tối đa tình trạng lặp từ, lặp câu.

 

Thứ hai là khi viết CV, theo chị Linh thì bạn cần chắt lọc tối đa các thông tin có thể bằng cách chỉ viết CV trong một trang duy nhất, trừ phi bạn làm trong mảng nghiên cứu, học thuật hoặc bạn có ít nhất từ 5 – 7+ năm kinh nghiệm. Nếu không nằm trong hai nhóm trên, bạn chỉ cần truyền đạt những điều liên quan nhất và thông điệp mà bạn muốn truyền tải, hạn chế đưa ra quá nhiều ngữ cảnh, quá nhiều chi tiết, hay quá nhiều thông tin không tập trung vào vị trí ứng tuyển.

Ngoài ra thì bạn chỉ nên viết những điều có thông điệp cụ thể trong phần Education (Học vấn). Hãy viết GPA học tập vào, trừ phi GPA của bạn thấp. “Dù chỉ là một con số, trong rất nhiều ngành, GPA lại là thông điệp để lại ấn tượng đầu tiên, đặc biệt đối với sinh viên mới ra trường. Mình viết các môn mình học điểm cao bởi mình học Quản trị khách sạn, nhưng lại xin việc trái ngành qua nhóm ngành Tài chính, và các môn này liên quan đến việc chuyển ngành của mình” – Chị Linh chia sẻ.

Một điều nữa là có rất nhiều thông tin bạn tưởng là cần thiết nhưng thực tế lại không cần, ví dụ như là ngày tháng năm sinh, tình trạng hôn nhân, địa chỉ nhà, những sở thích như du lịch, xem phim, nghe nhạc, v.v. Theo kinh nghiệm của chị Linh thì nếu bạn muốn viết về sở thích của mình thì phải có sự đặc biệt hoặc liên quan đến công việc ứng tuyển. Tương tự như vậy với phần kỹ năng của bản thân, bạn cần có bằng chứng cụ thể, ví dụ như được chứng nhận bởi tổ chức nào, khóa học nào,… Nếu không có bằng chứng cụ thể, bạn nên hạn chế ghi vào, trừ kỹ năng ngoại ngữ có thể linh hoạt một chút.

 

Tiếp theo là bạn cần đảm bảo cho CV của mình có phần trình bày gọn gàng, sạch sẽ. Chị Linh đề xuất bạn hãy dùng các font chữ cơ bản như Calibri, Arial, Georgia, v.v. Cỡ chữ đối với nội dung nên để tối đa 12, tối thiểu 10. Mốc thời gian nên để bên phải còn nội dung thì bên trái, bao gồm tên công ty, vị trí bạn đã làm hoặc tên trường, tên bằng cấp của bạn, bởi vì chúng ta thường có xu hướng đọc từ trái qua phải từ trên xuống dưới, nên điều đầu tiên mà nhà tuyển dụng thấy nên là những điều quan trọng nhất.

Bên cạnh đó, nếu bạn thiết kế CV theo một phong cách nhất định, hãy chọn một bảng màu thật trung tính. Nếu bạn không cần chứng minh kỹ năng thiết kế của bản thân thì bạn không cần thiết kế một CV quá “màu mè”. Theo chị Linh thì tất cả các môi trường liên quan đến kinh doanh quản trị đều dùng phong cách CV trắng đen đơn giản trong MS Word. Tất cả các trường danh tiếng nhất thế giới như Harvard, Oxford, Cambridge, v.v đều khuyến cáo sinh viên dùng CV dạng này.

 

Kế đến là phần thông tin liên hệ, chị Linh cho biết phần thông tin bản thân chỉ nên để số điện thoại và email để nhà tuyển dụng có thể liên hệ với bạn một cách tiện nhất. Những thông tin khác nếu nhà tuyển dụng cần họ sẽ hỏi bạn vì đa số là thông tin thứ yếu, trừ phi họ nêu rõ trong miêu tả công việc là bạn cần đề cập những thông tin nào về bản thân trong CV. Chị Linh cho biết: “CV của mình trong phần thông tin cá nhân có cả yếu tố mình có giấy phép lao động tại Anh, bởi vì điều này sẽ rất dễ dàng để nhà tuyển dụng lọc hồ sơ ứng viên nào cần được bảo trợ giấy phép lao động và ứng viên nào không cần”.

 

Từ kinh nghiệm của chị Linh thì CV 3 phần là CV dễ đọc nhất, bao gồm Experience (Kinh nghiệm), Education (Học vấn), Additional information (Những thông tin khác). Ghi Experience là để bạn có thể đưa tất cả mọi thứ vào chỗ này, bao gồm cả các hoạt động ngoại khoá. Tất cả mọi thứ không nằm trong Experience và Education thì hãy đưa vào Additional information.

Cũng theo chị thì CV có ảnh bản thân hay không thì tuỳ thị trường và tuỳ ngành nghề. Nếu công việc yêu cầu ngoại hình và viết rõ trên mô tả công việc thì bạn nên để ảnh vào. Nếu đã để ảnh thì đảm bảo hình phải chuyên nghiệp, ví dụ như phông nền đằng sau hoặc là một màu xám hoặc trắng, hoặc là phông nền phong cảnh thì đã được làm hiệu ứng làm mờ. Bạn nên viền ảnh của bạn lại nếu nền ảnh và nền CV khác màu vì trông sẽ sạch hơn nhiều.

 

Với phần trình bày CV thì thứ tự viết CV dễ hiểu nhất là những thông tin từ mới đến cũ. Nếu bạn đang đi học hoặc đang thực tập là một phần trong chương trình học, hãy để mục Education lên trước Experience. Nếu bạn đã tốt nghiệp và đã có kinh nghiệm đi làm sau khi tốt nghiệp thì viết ngược lại. Chị Linh cho rằng cái gì mới nhất thì để lên trước, bởi chỉ với vài giây đọc CV, nhà tuyển dụng sẽ không tập trung phân tích sắp xếp các mốc thời gian trên CV của bạn. 

“Nếu là sinh viên sắp ra trường mà bạn để Experience lên trước, trong vài giây nhà tuyển dụng sẽ có ấn tượng là bạn đã ra trường đi làm rồi và nếu những chi tiết trong phần Experience của bạn không đủ ấn tượng trong vài giây đó, thế là tạch. Nếu bạn đã ra trường 1 – 2 năm rồi mà vẫn để Education lên trước, nhà tuyển dụng sẽ có ấn tượng trong vài giây là hoá ra trong 1 – 2 năm vừa rồi bạn không có công việc gì đủ ảnh hưởng để đặt lên trước à mà vẫn để Education, lại tạch.”

 

“Đừng quên mục đích bạn gửi CV là để nhà tuyển dụng mời bạn phỏng vấn chứ không phải để bạn được nhận vào làm việc, nên bạn cần viết làm sao để nhân sự cảm thấy họ muốn nói chuyện với bạn để hiểu thêm về bạn và hiểu thêm về sự phù hợp của bạn với vị trí ứng tuyển”. 

Chị Linh cho biết có 03 điều quan trọng bạn nên viết trong các mục chi tiết là:

–  Trách nhiệm của bạn

–  Thành tựu của bạn

–  Tại sao họ nên có bạn trong đội ngũ nhân lực. 

“Nên nhớ, CV không phải là nơi bạn liệt kê tất cả mọi thứ bạn đã làm mà là chứng tỏ bản thân có thể đáp ứng được công việc. Bạn chỉ nên viết các trải nghiệm phù hợp và liên quan tới vị trí ứng tuyển, tránh viết như sao chép lại từ mô tả công việc”.

 

Một điều quan trọng khi viết CV chính là phải cụ thể hoá những điều bạn viết qua các con số. Ví dụ như nếu trách nhiệm của bạn là tối đa hoá doanh thu của công ty thì bạn cần đưa vào CV mình đã làm gì và hoạt động của bạn cải thiện được doanh thu bao nhiêu %. Nếu trách nhiệm của bạn là đào tạo nội bộ để nhân viên luôn làm việc trong trạng thái tốt nhất thì bạn đã sắp xếp được bao nhiêu buổi đào tạo cho bao nhiêu người, v.v

Ngoài ra chị Linh cũng gửi gắm đến các bạn trẻ rằng nên bỏ hoàn toàn các kỹ năng mà bạn đang đánh giá bằng ngôi sao, thang đo hoặc tự chấm điểm dưới n loại hình thức khác nhau, bởi vì nó không nói lên cái gì cả và không có gì chứng minh được mức đánh giá đó.

 

Chị Linh chia sẻ: “Đánh giá kỹ năng ngoại ngữ bạn chỉ nên cân nhắc 03 mốc: Fluent, Intermediate và Basic. Mình ghi thành thạo tiếng Anh bởi mình du học bằng tiếng Anh và mình có IELTS 8.0, mình ghi thành thạo tiếng Pháp vì mình học tiếng Pháp 9 năm và làm Front Office ở các khu vực nói tiếng Pháp và mình có bằng B2, mình ghi tiếng Đức Intermediate vì mình có bằng B1. 

Bạn có thể ghi Fluent nếu kỹ năng viết và nói của bạn ở trình độ B2 trở lên, Intermediate là B1, và Basic là từ A2 trở xuống. Nếu bạn không có chứng chỉ liên quan thì có thể nhờ một người nào đó, tốt nhất là người bản địa có kiến thức về các trình độ ngôn ngữ đánh giá cho”.

 

Chị Khánh Linh cho biết rằng những kinh nghiệm trên được bản thân chị chắt lọc và rút ra từ quá trình thử và sai trong quá trình ứng tuyển. Ngoài ra chị cũng tham khảo thêm hướng dẫn của các trường đại học top đầu thế giới như Harvard, Oxford và Cambridge cũng như tham khảo từ chia sẻ của anh Dương Harvard (Duong Tran) và anh Minh Google (Minh Sia).

“Trước khi nộp CV đi có rất nhiều thứ bạn cần kiểm tra trên CV của mình. Tên của bạn có đập ngay vào mắt người đọc không? Trông CV của bạn có gọn gàng sạch sẽ đẹp đẽ không? Bạn có viết sai chính tả hay ngữ pháp không? Bạn đã cố gắng cân đo đong đếm mọi mục hết chưa?” cũng là những bước quan trọng bạn cần phải xem xét lại trước khi nộp CV cho nhà tuyển dụng.

Hy vọng rằng từ những chia sẻ trên, các bạn Newbie có thể nằm lòng các lưu ý viết CV trên đây để chuẩn bị cho mình một chiếc CV tươm tất, chuẩn chỉnh và dễ thu phục sự chú ý của nhà tuyển dụng nhất!

 

Nhận bài viết qua email cùng
HR Insider – VietnamWorks.email subscribers