Có thể nói rằng Cột Mốc công việc đầu tiên để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ và bài học sâu sắc cho bất kỳ hành trình sự nghiệp nào. Nói cách khác, đây chính là nền tảng, là cột trụ cho con đường sự nghiệp phía trước. Bước đầu sự nghiệp – nơi còn đó những những khó khăn, rào cản cũng như nỗi sợ xuất phát từ chính bản thân đôi khi làm ta chùn bước.

Vậy dưới đa dạng góc nhìn sự nghiệp ở những giai đoạn đầu tiên, đâu sẽ là nỗi sợ vô hình cản bước những trái tim rực lửa với nghề? Và bằng cách nào, những trái tim ấy có thể vượt qua chướng ngại để viết tiếp trang hành trình ở những Cột Mốc kế tiếp? Cùng VietnamWorks lắng nghe ý kiến của những “nhân vật đặc biệt”, và đối chiếu với lựa chọn của bạn nhé!

 

“Công việc thực tế khiến mình lạc lõng và hoài nghi”

Với Cột Mốc sự nghiệp đầu tiên, sự mới mẻ, rộng lớn của công việc thực tế khiến anh bối rối lựa chọn: giữa BA, QC, Dev hay Data và còn nhiều phân nhánh khác, anh gặp khó khăn khi các kiến thức mình học trên trường chưa thể đáp ứng được ngay yêu cầu công việc thực tế mà cần phải có thời gian để thích nghi và tìm điểm “cân bằng”.

Cảm thấy những điều mình vỡ lẽ là hoàn toàn đúng, anh đã định hình lại “tư duy làm việc” của bản thân, “noi gương” các anh chị quản lý trực tiếp bằng cách học hỏi và tích lũy kỹ năng thông qua những dự án thực tế; tiếp cận với khách hàng; rèn giũa sức mạnh nghề nghiệp qua từng bước nhỏ để có được trải nghiệm trước, kinh nghiệm sau.

Anh đã vượt qua những “nỗi sợ vô hình” ở bước đầu sự nghiệp, và lời khuyên anh muốn gửi đến các bạn: Rằng hãy yêu, thật sự yêu với những gì mình đang làm và cứ đón nhận những khó khăn ban đầu, vì chúng sẽ giúp ta có thêm nhiều góc nhìn mới mẻ để gặt hái thành công trong tương lai.

“Càng kiểm tra thì tâm lý sợ sai sót càng lấn át”

Khi bắt đầu những bước chân đầu tiên trên hành trình sự nghiệp, nỗi sợ lớn nhất của Nhã là sợ làm sai, kể cả những công việc nhỏ nhất, nỗi sợ đến từ tâm lý khiến mình phải liên tục rà soát công việc, nhưng càng kiểm tra thì tâm lý sợ sai sót của mình càng lấn át.

Biết được rằng nỗi sợ tâm lý đang là rào cản lớn nhất, Nhã đã lựa chọn đối mặt càng nhiều hơn với nó để “nước chảy đá mòn”, bên cạnh đó, Nhã tìm đến sự tư vấn của các anh chị “tiền bối” cũng như quản lý trực tiếp như một nguồn động viên tinh thần của chính bạn ấy.

Thời gian đã trôi qua, Nhã cũng đã trưởng thành hơn với cảm xúc của mình trong công việc, lời khuyên của Nhã đến các bạn trẻ rằng “Làm – Sai – Sửa”. Ai cũng có những lần đầu sai sót, nỗi sợ tiêu cực đôi khi chỉ là những cảm xúc chủ quan mà thôi, vậy thay vì cứ sợ hãi và lảng tránh thì quan trọng hơn chính là đối mặt với nó và sửa sai trong chính công việc của mình.

“Chưa bao giờ mình cảm thấy đủ…. cố gắng và nỗ lực”

Khi nhìn lại bản thân ở những hành trình sự nghiệp đầu tiên, “nỗi sợ vô hình” lớn nhất chính là cảm xúc tự ti với chính bản thân mình, rằng mình chưa bao giờ cảm thấy đủ… nỗ lực và cố gắng, nó có thể đến từ những tác động bên ngoài hay đến từ chính sự tự ti dễ hiểu của một đôi tay còn “non nghề”, như chính chị thẳng thắn chia sẻ.

“Ta sẽ mắc mãi một sai lầm nếu không thẳng thắn thừa nhận nó và thừa nhận chính bản thân mình”, chị đã học cách thấu hiểu bản thân, thấu hiểu những giá trị mình đang có, chấp nhận yếu điểm và học cách để vượt qua. Bên cạnh đó chị còn học cách quan sát những người xung quanh là sếp và đồng nghiệp để biết được điểm giới hạn của họ, từ đó có những cư xử trong công việc hợp lý.

Để có được một Trúc Nghi mạnh mẽ như ngày hôm nay là cả một hành trình tôi luyện ý chí, chị muốn gửi đến các bạn đang bắt đầu hành trình sự nghiệp, rằng hãy “khách quan hóa” những cảm xúc hiện tại, vì chỉ khi thoát khỏi góc nhìn chủ quan của bản thân, bạn mới có thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn của những sai sót. Và hơn hết, hãy thấu hiểu giá trị chính mình để biết mình cần gì cho hành trình tiếp theo.

“Bận đến mức không có thời gian để chán nản”

Khởi đầu hành trình sự nghiệp ở một tập đoàn đa quốc gia, anh Khoa cũng có những lo lắng, băn khoăn về khả năng cũng như thấy áp lực trước khối lượng công việc lớn nhưng thời gian bàn giao lại quá nhanh. Khi bắt đầu công việc, anh thậm chí có những ngày làm việc đến tối muộn.

Cảm giác áp lực trong công việc là điều hiển nhiên mà ai cũng phải trải qua. Lời khuyên mà anh muốn dành cho thế hệ lao động trẻ hiện nay rằng: Đừng ngại và đừng sợ hãi ngay cả khi chỉ có một mình mình trong công việc, ta vẫn có thể dựa vào bản thân để giải quyết nếu có sự kiên trì và cố gắng.

Bên cạnh đó thì chuyện gì cũng có lần đầu tiên, do đó không nên vội vã và kỳ vọng vào các kết quả tốt đẹp quá nhanh chóng. Điều quan trọng là phải nỗ lực và giữ tinh thần không ngại việc thì mới đạt đến mục tiêu ta mong muốn.

 

Hy vọng rằng với những chia sẻ về trải nghiệm và các bài học thực tế từ các anh, chị nhân sự của Navigos Group có thể là nguồn động lực giúp các bạn trẻ vượt qua khó khăn và thử thách trong công việc. Để đón đọc những nội dung hữu ích khác, đừng quên theo dõi VietnamWorks để cập nhật sớm nhất bạn nhé!

Xem thêm: Chiến lược để thành công trong công việc đầu tiên

— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam

 

Nhận bài viết qua email cùng
HR Insider – VietnamWorks.email subscribers