Trái đất rất tròn, người mà bạn làm cho thất vọng hôm nay, cũng rất có thể là người sẽ lấy đi cơ hội của bạn vào ngày mai. Bởi nghỉ việc không phải là chấm hết, nó là một khởi đầu mới và nếu bạn xử lý khéo léo, nó còn mở ra rất nhiều cơ hội mới.

Do đó, thay vì “tung hê” tất cả, làm việc chểnh mảng và chỉ đếm từng ngày tới lúc rời đi, bạn nên tìm hiểu và thực hành văn hóa nghỉ việc.

Thấu hiểu tâm lý của các bạn Fresher từ trường học ra đường nghề, VietnamWorks kết hợp với các mentor luôn đồng hành, dìu dắt các bạn qua mỗi cột mốc trên con đường sự nghiệp. Với kiến thức và chia sẻ hết sức thực tiễn từ chị Phạm Ngọc Ánh, bài viết lần này sẽ bàn về văn hóa nghỉ việc, giúp các bạn trẻ có quy trình nghỉ việc văn minh, giữ cho mình một hình ảnh đẹp trong mắt đồng nghiệp cũ.

 

Dù quy mô công ty lớn hay nhỏ, nhân sự luôn là một vấn đề đau đầu của những người quản lý. Vì vậy, bạn càng thẳng thắn và chân thành, sếp cũ của bạn sẽ càng trân trọng bạn. Thay vì “bịa” ra những lý do chung chung, hãy đi vào chi tiết hơn. Giả sử bạn cảm thấy môi trường không phù hợp, vậy thì cụ thể là quy định hay văn hóa nào của công ty khiến bạn không thoải mái? Nếu bạn nghỉ vì bạn có định hướng khác, vậy định hướng đó chính xác là gì, và có thực sự định hướng đó sẽ chỉ được thực hiện nếu bạn tìm đến một môi trường mới?

Luôn có quy định về thời gian xin nghỉ tại mỗi công ty, quy định đó thường sẽ được ghi trong hợp đồng nhưng bạn vẫn có thể bỏ qua mất nếu không chú ý. Bạn cần nghỉ đúng thời hạn trong quy định, bởi đó là thời gian cần thiết để tổ chức sắp xếp công việc và tìm nhân sự thay thế bạn. Ở một số công ty, nhân sự xin nghỉ việc và thực hiện đúng luật cũng có thể được nhận trợ cấp thôi việc. Hãy tìm hiểu thật kỹ để đảm bảo các quyền lợi của bản thân. Đừng như mình, vì không tìm hiểu kỹ về luật mà ngỏ ý xin nghỉ sau 2 tuần, để rồi đi tong một tháng lương và nhận về một bài học để đời.

Nếu sếp và công ty cần từ 30 tới 45 ngày để tìm nhân sự thay thế bạn, thì các đồng nghiệp của bạn cũng cần chừng đó thời gian để chuẩn bị cho sự vắng mặt của bạn. Bởi vậy, sau khi đã quyết định chuyện nghỉ việc và giải quyết xong với quản lý, hãy tự mình chia sẻ điều đó với các đồng nghiệp thân thiết. Điều này sẽ giúp họ chấp nhận sự thật dễ dàng hơn.

Cảm giác rũ bỏ gánh nặng đúng là rất hấp dẫn, nhưng hãy nghĩ đến cả cảm giác của những người sẽ tiếp nhận lại các công việc từ bạn. Bạn càng xử lý chúng gọn gàng và khoa học bao nhiêu, những người đồng nghiệp cũ sẽ càng trân trọng bạn và học hỏi từ văn hóa nghỉ việc ấy bấy nhiêu. Hãy tính toán xem tới khi nghỉ mình có thể hoàn thành những công việc gì, gói ghém các file vào từng Folder gọn gàng, chuyển giao lại chúng cho quản lý hoặc người kế nhiệm. Đây là việc không chỉ giúp người sau tiếp nhận công việc thuận lợi hơn, mà còn giúp bạn tránh được những phiền toái không cần thiết.

Nhiều người nghỉ việc bởi đã quá chán chường công ty cũ, bởi vậy sau khi đạt được thỏa thuận, họ thường có xu hướng “xõa”, không còn quá quan tâm tới công việc với tâm lý dù sao những chuyện đó cũng sắp không liên quan đến mình. Tuy nhiên, cho phép bản thân thoải mái quá mức trong một vài ngày lại có thể ảnh hưởng đến những gì bạn đã cống hiến trong suốt quãng thời gian trước đó. Vì vậy, để thể hiện văn hóa nghỉ việc và thái độ chuyên nghiệp của mình, hãy làm việc thật trách nhiệm cho tới tận ngày cuối cùng.

 

Dù có nhiều bất mãn, nhưng những hành động như gặp ai cũng nói xấu công ty cũ, lên mạng phóng đại câu chuyện để làm tổn hại đến danh tiếng công ty cũ… là những việc bạn nên tránh. Điều này sẽ không chỉ làm ảnh hưởng tới nơi bạn từng gắn bó, mà còn khiến những người khác ngần ngại để làm việc với bạn trong tương lai. Có ai muốn trở thành “nạn nhân” tiếp theo bị nói xấu đâu?

Các nhân sự trẻ thường rất dễ bị ảnh hưởng bởi sự “ra đi” của đồng nghiệp thân thiết. Vì vậy, nếu họ còn bị tác động tâm lý theo hướng chê bai công ty cũ, khen ngợi công ty mới hoặc… rủ sang làm cùng, họ sẽ rất dễ dao động. Đây là hành động không đẹp, có thể gây thiệt hại cho công ty cũ, đồng thời cũng làm xấu hình ảnh của bạn.

Dù bạn đã nghỉ việc, hãy giữ mối quan hệ tốt đẹp – hoặc ít nhất là lịch sự với đồng nghiệp và công ty cũ. Tiếng lành thì chưa biết có đồn xa không, nhưng thông tin tiêu cực chắc chắn sẽ bị lan truyền rất nhanh. Ngoài ra, sẽ có nhiều trường hợp bạn không thể lường trước, chẳng hạn như khách hàng của bạn lại chính là một đồng nghiệp cũ bạn từng xích mích. Giữ một thái độ thân thiện, trung lập sẽ là cách tốt để bạn bảo vệ bản thân khỏi những thị phi không đáng có.

Bạn có thể xây dựng hình ảnh đẹp lúc vào công ty, nhưng nếu cứ vô tư, thiếu trách nhiệm khi nghỉ, tất cả nỗ lực của bạn trong quá trình làm sẽ tan vào mây khói. Hy vọng những chia sẻ hữu ích từ mentor Phạm Ngọc Ánh sẽ giúp các bạn hiểu rõ về văn hóa nghỉ việc, để làm đẹp lòng đồng nghiệp cả lúc đến và đi, và quan trọng hơn, mở ra những cơ hội mới trong tương lai, bởi lẽ kết thúc không phải chấm hết! Nếu các bạn đang tìm bến đỗ mới cho bản thân, hay băn khoăn giữa những lựa chọn trên con đường sự nghiệp, Công cụ tra cứu lộ trình sự nghiệp có thể giúp bạn có cái nhìn tổng quan về ngành, từ đó ‘’khai thông’’ con đường thăng tiến của bạn. VietnamWorks chúc bạn có hành trình công việc thật thuận lợi và hạnh phúc phía trước!

— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam

Nhận bài viết qua email cùng
HR Insider – VietnamWorks.email subscribers