Đa số ứng viên đều trong tư thế thụ động chờ đợi kết quả phỏng vấn từ nhà tuyển dụng. Nếu số lượng ứng viên lớn, điều này có thể khiến nhà tuyển dụng quên thông tin cá nhân, thậm chí quá trình phỏng vấn của ứng viên. Vậy nên, sau đây là một số cách vừa có mục đích nhắc nhớ vừa tạo được tác động tích cực, giúp tăng cơ hội trúng tuyển.
Viết thư cảm ơn
Thư cảm ơn được xem là một cách ứng xử khéo léo của các ứng viên, có thể giúp bạn lưu lại ấn tượng tốt và ghi điểm trong quá trình xin việc. Để có một thư cảm ơn hoàn hảo, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Tiêu đề: Thư Cảm ơn_họ và tên_vị trí ứng tuyển_ngày phỏng vấn. Ví dụ như: Thư Cảm Ơn _Nguyễn Kiều Thư_Ứng Tuyển Content Social_18/04/2012.
- Mở đầu: Cần có tên người nhận, bạn có thể gửi đến người đã phỏng vấn trực tiếp về mặt chuyên môn hoặc người liên lạc để sắp xếp lịch phỏng vấn. Sau đó, tóm tắt ngắn gọn về thời gian, vị trí phỏng vấn và quá trình phỏng vấn.
- Lời cảm ơn: Bạn hãy gửi lời cảm ơn với bộ phận nhân sự vì đã dành thời gian sàng lọc CV, sắp xếp lịch hẹn. Thêm nữa, bạn nên cảm ơn đến người đã tham gia phỏng vấn trực tiếp vì cho bạn có cơ hội trao đổi về công việc chuyên môn.
- Cuối thư: Bày tỏ rằng bạn vẫn luôn chờ đợi kết quả phỏng vấn và dù kết quả ra sao bạn cũng rất vui vì được gặp gỡ họ. Đừng quên kết thư bằng một lời cảm ơn nữa nhé!
Bổ sung hồ sơ đúng hẹn
Đây là cách áp dụng cho những ứng viên có hứa hẹn gửi tài liệu, bài test hay hạng mục công việc từng đảm nhận cho nhà tuyển dụng. Nếu đã hứa, nhất định bạn phải thực hiện đúng. Không được hứa suông, rồi viết email xin dời lại hoặc trễ hẹn không lý do. Bởi điều đó cũng ảnh hưởng rất lớn đến cách đánh giá tác phong và thái độ làm việc của bạn. Không một nhà tuyển dụng nào thích ứng viên trễ hẹn hay bội tín cả.
Thiết lập mốc thời gian liên lạc
Có thể bạn đang nôn nóng chờ đợi kết quả và không muốn làm phiền nhà tuyển dụng dù đã qua ngày phỏng vấn khá lâu, nhưng nếu kéo dài họ sẽ quên bạn hoặc nghĩ rằng bạn thờ ơ, không cần việc này nữa. Vậy nên, hãy viết một email với nội dung tham vấn hình thức liên lạc và thời gian thuận tiện nhất mà nhà tuyển dụng có thể trao đổi về kết quả phỏng vấn.
Trực tiếp gửi mail hỏi về kết quả phỏng vấn
Để gửi email hỏi thăm kết quả phỏng vấn, bạn cần đảm bảo thời gian làm việc ít nhất tính từ ngày phỏng vấn là 5 ngày. Bởi nhà tuyển dụng cũng cần thời gian để xem xét và đánh giá ứng viên có phù hợp hay không. Hoặc trường hợp, nhà tuyển dụng hẹn sẽ trả lời kết quả vào ngày cụ thể nhưng chưa có, bạn nên đợi sau đó một ngày hãy gửi thư hỏi thăm.
Khi viết thư hỏi kết quả, bạn nên nhắc nhớ bạn là ai, phỏng vấn vị trí nào, vào thời gian nào. Sau đó, sử dụng ngôn từ tôn trọng, lịch thiệp để bày tỏ sự chờ đợi và hy vọng nhận được kết quả phỏng vấn nhanh chóng.
Trong thời gian chờ đợi kết quả phỏng vấn, bạn có thể tiếp tục ứng tuyển vào nhiều vị trí khác. Không nên dừng việc apply cho đến khi đã nhận được lời mời làm việc chính thức. Bởi bạn không thể biết được công ty đang phỏng vấn bao nhiêu người và có ứng viên nào “nặng ký” không.
Giữ thái độ lịch sự dù không trúng tuyển
Nếu không may, bạn rớt phỏng vấn, tuyệt đối không để cảm xúc thất vọng lấn át mà có hành vi thiếu tế nhị với nhà tuyển dụng. Vì trong tương lai, có thể họ sẽ mở rộng nhân sự, có nhiều vị trí khác mà bạn cảm thấy yêu thích hoặc có cơ hội hợp tác cùng nhau. Nên sẽ rất ngại ngần nếu bạn có những thái độ khiếm nhã đúng không nào? Dù không trúng tuyển, bạn cũng nên gửi thư cảm ơn và bày tỏ hy vọng có cơ hội hợp tác lần sau.
Trên đây là một số cách để nhà tuyển dụng nhớ đến bạn sau buổi phỏng vấn. Hy vọng thao tác này giúp bạn tạo được thiện cảm và tăng khả năng cạnh tranh với các ứng viên khác.
>> Xem thêm: 5 điều cần làm để đạt hiệu suất 100% khi làm việc từ xa
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.