Bài viết này không phải là những bí quyết để thành công mà là những nguyên tắc giúp bạn phát triển bản thân trong công việc, nhất là với những người mới đi làm. Trong xã hội phát triển nhanh chóng như hiện nay, nếu không phát triển bản thân để trở nên tốt hơn, bạn không chỉ dậm chận tại chỗ mà sớm bị lùi lại phía sau.
1. Tự thân vận động
Để thăng tiến trong công việc, nâng cao chuyên môn, kiến thức và kỹ năng liên quan là cần thiết. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng có các chương trình đào tạo và huấn luyện nhân viên. Bạn hãy tự thân vận động đăng ký tham gia các khóa học nâng cao chuyên môn và những kỹ năng mới, chủ động liên tục cập nhật và tìm kiếm thông tin liên quan đến công việc thông quan bạn bè, mối quan hệ, internet, sự kiện… Việc gì cũng vậy, khi bỏ tiền túi và công sức của mình ra, bạn luôn động lực nhiều hơn là “được tài trợ”. Tôi đã tự thân vận động học hết 3 khóa kĩ năng trước khi trở thành một thần dân digital chính hiệu như bây giờ.
2. Đừng ngại đường tắt
Nhiều bạn khi bắt đầu đi làm thường có suy nghĩ rằng nhất định sẽ làm công việc mình muốn, sống chết với nó luôn. Nhưng thường là những công việc mà bạn yêu thích yêu cầu phải có kinh nghiệm hoặc là bạn phải cực kỳ xuất sắc thì các nhà tuyển dụng mới đồng ý chọn bạn. Vậy thì phải làm sao nếu mình chưa có kinh nghiệm hoặc không nằm trong nhóm người thần thánh kia?
Hãy đi đường tắt. Theo kinh nghiệm của tôi, bạn có thể bắt đầu bằng những công việc cho bạn có hội tích lũy kinh nghiệm và kiến thức tương tự. Nếu bạn muốn làm một content writer, bạn có thể bắt đầu với công việc liên quan đến viết lách như phiên dịch viên chẳng hạn. Đến khi đủ lông đủ cánh rồi thì bạn có thể bay nhảy thoải mái trong lĩnh vực bạn muốn nhé.
3. Lắng nghe là một kĩ năng
Ông bà ta thường có câu “sự thật mất lòng”, vì vậy đôi khi những lời góp ý “thẳng thắn” từ ai đó về bản thân bạn không mấy dễ nghe. Tỏ thái độ bực tức chẳng giúp họ nhìn nhận bạn khác đi mà hãy đón nhận những lời nhận xét theo hướng tích cực.
Chính những điều này sẽ giúp bạn ngày càng hoàn thiện hơn trong sư nghiệp của mình. Lúc trước tôi cũng hay tự ái với những lời nhận xét không hay về mình vì cho rằng họ chẳng biết gì hay họ ghen tức. Sau này suy nghĩ lại thì những lời góp ý đó cũng tốt cho mình. Hãy cứ nghĩ theo hướng tích cực những lời đó sẽ là động lực để phát triển bản thân thôi.
4. Xây dựng mạng lưới mối quan hệ
Câu nói “Giàu nhờ bạn” chẳng bao giờ sai. Bạn bè và những mối quan hệ tốt sẽ mang đến nhiều cơ hội mà bạn không ngờ tới. Nếu để ý bạn sẽ thấy những người thành công trong sự nghiệp luôn có một mạng lưới quan hệ rộng, những người luôn sẵn sàng giúp đỡ họ trong bất kỳ hoàn cảnh.
Hãy bắt đầu mở rộng quan hệ bằng những việc đơn giản nhất. Ví dụ, bước vào phòng tập gym, thay vì rủ người bạn quen biết đi cùng, hãy vào phòng và bắt chuyện cùng 3 người khác và nhờ họ chỉ giúp mình những bài tập. Như vậy là bạn đã có thêm 3 người bạn mới rồi. Những mối quan hệ như thế này sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong công việc và cuộc sống đấy.
Lời kết:
Phát triển bản thân là một quá trình và tôi vẫn tiếp tục nỗ lực mỗi ngày để trở nên tốt hơn. Tất nhiên, bạn có quyền lựa chọn bạn của 10 năm về sau sẽ y chang như bạn hiện tại hay là một con người hoàn thiện hơn. Theo bạn, xã hội sẽ lựa chọn ai?
– Chia sẻ của độc giả Vủ Nguyễn –
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.