Vào năm 2015, thế hệ Millennial vượt qua cả Gen X và trở thành lực lượng nhân công lớn nhất nước Mỹ. Mặc dù thế hệ này chính là nguyên nhân của những sự thay đổi lớn trong môi trường làm việc hiện đại ngày nay (có cả tốt, cả xấu, và cả những khác biệt không đáng kể); nhưng những thế hệ trước từ thời ông bà, cha mẹ và cả Millennial đều có chung đặc điểm: họ muốn được đối xử công bằng, có cơ hội để phát triển, giờ làm việc linh động, và tạo ra những tác động có thể kiểm chứng được cho tổ chức của mình. Và theo nghiên cứu từ Gallup về việc tại sao nhân viên lại chán nản với công việc – thì đáp án từ muôn thuở vẫn là: Nhà lãnh đạo cần phải làm tốt hơn đối với vai trò của mình.
Dẫu biết rằng công nghệ đang thay đổi dần văn hóa doanh nghiệp, nhưng vẫn có rất nhiều vấn đề cơ bản còn tồn tại. Tiền lương hay phúc lợi không phải là thứ giữ chân nhân tài, mà đó chính là mối quan hệ – giữa đồng nghiệp với nhau, giữa quản lý với cấp dưới, và giữa những người bạn trong công việc. Trong khi đó, công ty thì lại đổ dồn rất nhiều tiền bạc để thu hút và níu chân nhân tài. Theo ước tính vào năm 2011, các công ty phải chi trả 45 triệu đô cho quy trình tuyển dụng, nhưng có đến 46% nhân sự mới rời đi chỉ sau một năm đầu làm việc.
Người trẻ ngày nay có xu hướng nhảy việc; và đối với chủ doanh nghiệp, việc thay đổi những nhân tố mới là một điều tốt. Tuy nhiên, “chảy máu” nhân tài vẫn là một thực trạng mà các doanh nghiệp không thể chối cãi được. Thực tế là, lực lượng nhân sự ngày nay đã phát triển hơn rất nhiều so với những chiến lược thu hút xưa cũ. Đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi để đuổi kịp thời đại. Dưới đây là 4 chiến lược đơn giản nhằm giúp bạn thành công trong việc giữ chân nhân tài.
Sứ mệnh của công ty cũng chính là sứ mệnh của mỗi nhân sự
Việc trả lương với một số tiền đều đặn đã không còn đem lại nhiều hữu ích nữa. Ngày nay, nhân viên cần biết lí do tại sao doanh nghiệp của bạn tồn tại – bạn đang giải quyết vấn đề gì, và cách bạn giúp cuộc sống của họ cũng như khách hàng tốt đẹp hơn ra sao. Họ muốn nhìn thấy cách mà họ có thể góp phần giúp doanh nghiệp vươn lên, và đồng thời tác động ra sao đến với thế giới rộng lớn. Hãy khiến cho mỗi thành viên cảm thấy rằng họ là một phần của công ty, và rộng lớn hơn, là một phần không thể thiếu của văn hóa doanh nghiệp. Nghe thì co vẻ khá to tát, nhưng việc truyền bá sứ mệnh và tầm nhìn của doanh nghiệp không còn dành riêng cho khách hàng – mà bao quát hơn, đó còn là cách giúp bạn thu hút và truyền cảm hứng cho nhân sự của công ty nữa đấy.
Nhân viên chính là người kể chuyện tuyệt vời nhất cho doanh nghiệp của bạn, thông qua các trang mạng xã hội như LinkedIn, Facebook, Twitter hay Instagram. Cụ thể hơn, họ chính là người chạy các chiến dịch quảng cáo, tuyển dụng, đẩy mạnh các sự kiện cho công ty, là người đặt vấn đề và bạn phải đi tìm câu trả lời thích đáng. “Quả ngọt” bạn nhận được là gì? Chính là sự nhiệt tình và tâm huyết đến từ những thành viên cốt cáng, có tâm có tầm của công ty đấy!
Mở rộng vòng kết nối
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều quen thuộc với cụm từ “kết nối”, đặc biệt là trong thời đại công nghệ số hiện nay. Các doanh nghiệp hiện nay đều được tổ chức theo kiểu quản lý cấp giữa với vai trò là cầu nối giữa nhân viên với lãnh đạo cấp cao. Hệ thống cấp bậc này có thể phần nào đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; nhưng dần dần, nó đang gây ra khá nhiều bất cập cho nhân viên cấp dưới. Họ sẽ rất khó để có thể kết nối với những nhà lãnh đạo – những người sở hữu đầy đủ thông tin cũng như có khả năng truyền cảm hứng đặc biệt đến với mọi người nhất.
Một văn hóa doanh nghiệp rõ ràng với những kết nối trọng điểm sẽ giúp thu hút và tạo dựng lòng tin cho nhân sự. Hãy cân nhắc những phương án mà công ty có thể áp dụng được: Đó có thể là một buổi họp mở, nơi tất cả mọi người trong công ty được thoải mái đặt câu hỏi. Đó cũng có thể những khoảng thời gian linh động, nơi mà lãnh đạo cấp cao có thể kèm 1-1 cho những nhân sự mới vào nghề chẳng hạn.
Tại The Muse, những bài thuyết trình từ hội đồng đều được công khai cho toàn thể công ty. Hay tại SoundCloud, nhân viên được tham dự các cuộc họp với lãnh đạo công ty, và sau đó họ sẽ viết một bài blog để chia sẻ nội bộ cho mọi người về những gì mà họ đã học hỏi được.
Khơi dậy trí tò mò, và sử dụng nó một cách thông minh
Giới trẻ ngày nay, đặc biệt là những người lớn lên ở thời đại công nghệ số, đều rất giỏi trong khả năng giải quyết vấn đề – vì họ được kết nối với một nguồn thông tin khổng lồ không giới hạn luôn có sẵn ngay trong tầm mắt. Tại môi trường làm việc, sự tò mò của nhân viên có thể khiến cho quản lý của họ “chướng tai, gai mắt”. Tuy nhiên, cũng chính nhờ vào những sự tò mò này mà ta có thể đánh giá lại tình hình, và tìm ra các cách tốt hơn để thực hiện một quy trình nào đó.
Hãy khuyến khích nhân viên đặt câu hỏi, và cho họ quyền làm chủ cho một phần nào đó của dự án. Hãy tạo một môi trường khiến cho nhân viên đặt câu hỏi với mong muốn được phát triển và học hỏi – chứ không phải bị xa lánh hay chỉ trích. Công ty cần cung cấp cho nhân viên những nguồn thông tin không chỉ khuyến khích họ đặt vấn đề, mà còn giúp trả lời câu hỏi – đem lại những giá trị lành mạnh cho cả nhân viên nói riêng và doanh nghiệp nói chung.
Giải đáp thắc mắc cho nhân viên không chỉ là bạn đang chia sẻ những gì bạn biết, mà còn giúp bạn nhận ra sai lầm của chính mình. FailCon chính là một trong những hội nghị phổ biến nhất tại Silicon Valley. Tại đó, những sai lầm sẽ được đề cập nhằm tìm ra hướng giải quyết để đi đến thành công. Nếu bạn có thể tạo dựng thành công một văn hóa công sở nơi chấp nhận sai lầm để vươn lên, thì nhân viên của bạn cũng sẽ nuôi dưỡng một tư duy tương tự: thậm chí những sai lầm cũng có thể là đòn bẩy giúp bạn tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp nữa đấy.
Cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân
Có một vị sếp rất không hài lòng khi thấy những nhân viên trẻ tuổi luôn sử dụng email cá nhân, Facebook và Twitter khi làm việc. Ông cảm thấy rằng năng suất làm việc của nhân viên sẽ bị giảm sút rất nhiều nếu sử dụng Internet, và ban một lệnh cấm trên toàn công ty: không sử dụng những website gây “xao lãng”, và hạn chế sử dụng điện thoại khi làm việc.
Dĩ nhiên, bạn không muốn nhân viên của mình suốt ngày dán mắt vào điện thoại mà quên đi công việc chính, nhưng hãy thử nghĩ điều ngược lại xem nào: Bạn đã bao giờ muốn nhân viên hi sinh thời gian cá nhân của họ để dành tâm huyết cho công ty không?
Nói cách khác, ranh giới vốn mong manh giữa công việc và cuộc sống đều mang tính hai chiều. Nhân viên bây giờ không còn tự bó buộc mình vào những công việc làm 8 tiếng một ngày, đi làm đúng giờ và ra về đúng giấc nữa. Bạn hãy xem nhân viên như là những gương mặt đại diện cho công ty mình.
Đó là lí do tại sao những phúc lợi như đi du lịch thường xuyên, giờ làm việc linh động hay các chính sách nghỉ phép dư dả vô cùng quan trọng.
Ví dụ, nhân viên lập trình sẽ ưa chuộng được làm việc tại nhà một vài ngày trong tuần trước khi tập trung toàn bộ năng lượng cho một dự án quan trọng nào đó. Nhà quản lý sẽ sắp xếp một buổi thứ 4 không họp hành gì cả, để họ có đủ thời gian làm hết các công việc còn đang dang dở. Nhờ vào những công cụ quản lý hay kết nối qua Internet, việc một người có mặt trực tiếp tại công ty không còn quá quan trọng. Vậy tại sao bạn không cho phép nhân viên được làm việc tại nơi hay tại thời điểm mà họ có thể đạt năng suất tốt nhất nhỉ?
Dĩ nhiên, sự tin tưởng lẫn nhau chính là đầu mối “kết dính” cho quy trình này. Khi nhân viên đủ tin tưởng, họ hoàn toàn có thể tự mình thiết kế một phong cách làm việc sao cho phù hợp với doanh nghiệp cũng như với con đường sự nghiệp của họ nhất. Ai còn muốn “dứt áo ra đi” khi đã có đủ đầy cơ chứ?
–HR Insider/Theo Fast Company–
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.