Ai cũng biết rằng nuôi dưỡng thói quen tiết kiệm tiền chính là yếu tố mấu chốt để bạn có tài sản tích lũy. Tuy nhiên, bên cạnh thói quen tiết kiệm thì tâm lý và tư duy tài chính của mỗi người cũng là một yếu tố quan trọng quyết định bạn có thể trở thành một người giàu có hay không.
Nếu bạn đang sở hữu 5 tư duy tài chính dưới đây, trong tương lai chắc chắn bạn sẽ có nền tảng kinh tế vững chắc.
1. Kiếm được bao nhiêu không quan trọng, quan trọng là bạn tiết kiệm được bao nhiêu tiền
Không ít người có mức thu nhập cao nhưng sau những năm tháng lao động chăm chỉ, cuối cùng tài khoản của họ vẫn là con số 0 tròn trĩnh. Điều đó chẳng có gì là lạ, bởi lẽ kiếm được nhiều tiền không có nghĩa bạn sẽ trở nên giàu có. Còn bao nhiêu tiền trong tài khoản mới là điều cốt yếu nhất, quyết định bạn có phải người có tiền hay không.
Thu nhập cao nhưng luôn tiêu tiền vào những mục tiêu vô nghĩa, không biết tiết kiệm thì cuối cùng bạn lại trở thành nghèo.
2. Chú ý tiết kiệm khi mua các mặt hàng tiêu dùng nhanh
Hàng tiêu dùng nhanh (Fast Moving Consumer Goods, viết tắt là FMCG) bao gồm toàn bộ các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong cuộc sống. Đó là các mặt hàng tiêu dùng thường ngày, thân thuộc trong cuộc sống, từ bàn chải đánh răng, đồ ăn uống hàng ngày, đến kem dưỡng da, thậm chí cả các mặt hàng khác như điện thoại, máy nghe nhạc…
Cũng chính bởi vì chúng là những mặt hàng thiết yếu nên sẽ chiếm một phần lớn trong ngân sách chi tiêu của bạn. Nếu có thể kiểm soát tốt khi mua sắm những mặt hàng này, bạn sẽ tiết kiệm được khoản tiền đáng kể hàng tháng.
Một ví dụ như tiền cà phê, nếu từ bỏ thói quen mua một tách cà phê ở cửa hàng mỗi ngày, cuối tháng tổng kết lại bạn sẽ ngạc nhiên vì số tiền mình tiết kiệm được. Hay chỉ đơn giản là dùng hết mỹ phẩm ở nhà trước khi mua mới, gắn bó với chiếc điện thoại cũ thời gian lâu nhất có thể, không quan tâm đến phiên bản vừa ra mắt… Đó là một vài ví dụ chi tiêu thông minh và tiết kiệm trong cuộc sống hàng ngày bạn có thể áp dụng.
3. Đo lường sức mua chứ không phải khả năng trả góp của bạn
Trong cuốn sách “Cha giàu, cha nghèo” của tác giả Robert Kiyosaki có đề cập rằng một trong những nguyên tắc để trở nên giàu có là mang về nhiều tài sản hơn cho bản thân chứ không phải rước về các khoản nợ. Trả góp chính là một hình thức mua hàng khiến bạn phải mắc nợ.
Đối với một số mặt hàng giá trị cao, cửa hàng thường có chương trình trả góp không lãi suất, giúp bạn lập tức sở hữu được món hàng ấy mà không cần phải trả đủ tiền ngay. Tuy nhiên khi bạn đã quen với cách tiêu dùng này sẽ rất nguy hiểm, bởi vì các khoản nợ của bạn sẽ dần dần tăng lên theo thời gian.
Bạn chớ nên mua hàng trả góp trừ trường hợp món hàng ấy có thể sinh lời, mang lại cho bạn lợi nhuận, ví dụ như một chiếc máy tính để làm việc. Hãy cố gắng để các khoản nợ ở mức tối thiểu và tìm cách tăng tài sản một cách tối đa, có như vậy bạn mới trở thành một người giàu có!
4. Luôn lập ngân sách để chi tiêu hiệu quả
Nhiều người nghĩ rằng việc lên kế hoạch chi tiêu hàng tháng là một việc phức tạp, thậm chí là vớ vẩn không cần thiết. Thực tế, lập ngân sách là một phương án gần như không thể thay thế nếu bạn muốn chi tiêu số tiền lương của mình một cách hiệu quả.
Chỉ khi lập ngân sách thì bạn mới có thể kiểm soát tốt chi tiêu, biết được tiền của mình đã được chi vào những đâu. Bạn cũng sẽ nắm rõ khoản mua nào là hoang phí để giảm bớt hoặc cắt bỏ hoàn toàn, từ đó tiết kiệm được tiền.
5. Đầu tư khôn ngoan nhất là đầu tư vào chính mình
Người khôn ngoan sẽ biết đầu tư cho bản thân một cách xứng đáng. Họ học các kiến thức quản lý tài chính và đầu tư để tự đưa ra quyết định phù hợp với bản thân, mà không nghe theo lời xúi giục của bất kỳ ai.
Họ cũng sẵn sàng bỏ tiền nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn, bởi vì đó là nền tảng quan trọng để bạn tăng thu nhập và phát triển hơn trong sự nghiệp. Khi đã là một người quản lý tài chính khôn ngoan, biết cách tiêu dùng thông minh thì sự giàu có sẽ sớm đến với bạn.
>> Xem thêm: 5 điều cần làm để đạt hiệu suất 100% khi làm việc từ xa
— HR Insider/Theo Money—
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.