1. Thưởng Tết là gì?
Thưởng Tết cũng chính là khoản tiền thưởng được hiểu là khoản thù lao bổ sung cho tiền lương để trả cho những yếu tố mới phát sinh trong quá trình lao động chưa tính đến trong mức lương theo chức danh hoặc theo công việc. Điều 103 Bộ luật lao động có quy định về tiền thưởng như sau:
- Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
- Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Theo quy định trên thì tinh thần chung về vấn đề thưởng đó là:
- Thưởng có thể là khoản tiền hoặc tài sản mà sếp dành cho nhân viên;
- Việc thưởng sẽ dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc;
- Quy chế thưởng do sếp quyết định khi tham khảo ý kiến của công đoàn.
2. Thưởng Tết bao nhiêu là thỏa đáng?
Người lao động được nghỉ làm và hưởng nguyên lương
Theo Điều 112 Bộ luật lao động 2019, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương vào ngày Tết. Nếu ngày này trùng với ngày nghỉ hằng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp. Về lương tháng 13, theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019, tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào tình hình sản xuất kinh doanh. Như vậy, đây không phải là khoản tiền bắt buộc phải trả theo luật. Tuy nhiên, việc thưởng lương tháng 13 là động thái của công ty thể hiện sự ghi nhận công sức lao động cả một năm ròng của nhân viên, nên khoản thưởng này chính là lợi thế cạnh tranh giúp công ty giữ chân nhân viên của mình. Tùy vào quy mô và lợi nhuận công ty, khoản lương tháng 13 có thể rơi vào mức 1 – 4 tháng lương.
Đi làm ngày Tết người lao động sẽ được hưởng ít nhất 400% tiền lương
Ngày Tết là ngày người lao động trên cả nước được nghỉ làm và hưởng nguyên lương. Tuy nhiên, tùy theo nhu cầu và thỏa thuận của hai bên, doanh nghiệp có thể đề nghị người lao động làm thêm vào dịp Tết Âm lịch. Nếu đồng ý, người lao động có thể đi làm và được tính là làm thêm giờ vào ngày nghỉ, lễ. Đồng thời, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả tiền làm thêm giờ cho nhân viên của mình.
Theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019: Tiền lương làm thêm giờ trong những ngày Tết ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày. Do đó, nếu người lao động làm thêm giờ trong ngày Tết Âm lịch sắp tới, tính cả tiền lương của ngày hôm đó thì người lao động làm việc ban ngày sẽ được hưởng 400% tiền lương của ngày làm việc bình thường.
Người đi làm ngày Tết vào ban đêm hưởng ít nhất 490% tiền lương
Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 98 Bộ luật lao động 2019 người làm thêm vào ban đêm những ngày Tết này, tiền làm thêm được tính như sau:
- Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
- Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
Căn cứ quy định trên, nếu tính cả tiền lương của ngày Tết thì người lao động sẽ được hưởng 490% tiền lương của ngày làm việc bình thường.
Bài viết đã chỉ ra một số quy định về tiền thưởng Tết người lao động cần phải biết. Hi vọng rằng bạn đã hiểu rõ hơn quyền lợi của mình và lựa chọn đúng công ty phù hợp nhé!
Xem thêm: Những điều khoản phải nắm thật rõ trong Hợp đồng lao động
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.