Tại sao chúng ta lại thích bản thân lúc nào cũng bận rộn hay nói cách khác là nghiện công việc? Tại sao khi một mớ hỗn độn những giấy tờ và dự án chất chồng trước mặt, ta lại đột nhiên cảm thấy vô cùng hoảng sợ và chơi vơi? Sự bận rộn dường như đang trở thành một điều gì đó hết sức bình thường. Và đó cũng là lúc vấn đề bắt đầu xảy ra.
Có một nghịch lí khi mọi người bận rộn như thế này.
Những ai có tham vọng thăng tiến trong nghề nghiệp cao thường thích làm những công việc phức tạp và có mong muốn được mọi người công nhận tài năng của mình, do đó họ luôn trong những tình huống cấp bách (hay nói cách khác, là bận rộn). Tuy nhiên, bạn càng bận rộn bao nhiêu, bạn càng khó có thể đáp ứng được nhu cầu của công việc hay cho ra đời được những ý tưởng sáng tạo.
Nếu bận rộn chính là bằng chứng chứng minh bạn đang làm rất tốt ở lĩnh vực của mình, thì cũng có thể bạn đang nhầm lẫn giữa việc bận rộn và sự được công nhận đấy. Tuy nhiên, trái nghĩa với bận rộn không có nghĩa là lười biếng, trống rỗng”. Trái nghĩa với bận rộn – chính là làm việc có mục đích, có lựa chọn, có sự ưu tiên trước sau hợp lí. Lười biếng là khi người khác đang kiểm soát thời gian của bạn. Còn làm việc có chủ đích là khi bạn là người cầm tay lái, tự kiểm soát chính cuộc đời mình.
Tại sao sự bận rộn trở thành một “trào lưu” mới nơi công sở (và nó đã nhấn chìm sự sáng tạo, năng suất và niềm vui lao động như thế nào?)
Khi bận rộn, bạn đã gạt bỏ đi một trong những công cụ đắc lực nhất cho năng suất làm việc, niềm vui và bảo vệ chúng ta khỏi sự kiệt sức, đó chính là: sự nghỉ ngơi. Để có thể làm việc có ý nghĩa, sáng tạo và năng suất hơn; chúng ta cần bước chân ra khỏi guồng quay hối hả, không ngừng nghỉ của cuộc sống hiện đại ngày nay.
Khi một nhóm nghiên cứu tại ideas42 (một tổ chức phi lợi nhuận sử dụng khoa học hành vi để giải quyết các vấn đề trong thế giới thực) xem xét những tình huống và phong cách làm việc dẫn đến sự bận rộn, quá tải; họ nhận ra một đặc tính chung: Trong khi các tổ chức đều khẳng định rằng cân bằng và nghỉ ngơi là giá trị then chốt, rất ít trong số họ có thể làm được điều này.
Đối với một số người, đó là sự mong đợi bất hợp lí. Công ty của bạn đang thiếu người mà lại có quá nhiều việc, bạn không còn sự lựa chọn nào khác là phải cố gắng gánh vác mọi việc. Đối với một số người khác, nguyên nhân đến từ kỹ năng quản lí thời gian còn nhiều hạn chế. Bạn nhảy từ công việc này đến công việc khác trong một khoảng thời gian ít ỏi, cốt là để cho xong việc mà thôi.
Nhưng đây mới là một hiện thực khác, phổ biến hơn: Bạn thích việc bản thân mình luôn bận rộn!
Sự bận rộn vắt kiệt sức lực của bạn như thế nào?
Sự bận rộn khiến cho bạn cảm thấy thoải mái, nhưng nó cũng đang dần bào mòn sức khỏe của chính bạn.
Mặc dù ngay cả khi bạn biết rằng mình cần thêm nhiều sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, dành thời gian cho những việc có ý nghĩa hơn, hay tạm “offline” với thế giới để nghỉ ngơi vào cuối ngày thì việc thực hiện được những điều đó lại là một câu chuyện khác.
Hiện tượng hành vi đó được gọi là “tunneling” (hiện tượng “đường hầm”) và đây là cách nó hoạt động.
Khi chúng ta bận tối mặt tối mũi ở mọi nơi, trả lời email, phóng nhanh đến các buổi họp – thời gian lúc này dường như khan hiếm vô cùng. Và trong tình huống thiếu thốn thời gian ấy, não của chúng ta sẽ tự động bị “che mắt”.
Bỗng dưng, chúng ta không còn nhìn thấy được bức tranh lớn nữa, mà chỉ có thể tập trung vào những nhiệm vụ nào tức thời và thường là ít giá trị nhất ngay trước mắt. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, 13 điểm IQ sẽ bị đánh mất nếu ta đang ở trong trạng thái “đường hầm”.
Tuy vậy, khi cuối cùng cũng có thời gian để thở vào cuối ngày, ta lại nhận ra rằng dường như cả ngày mình chưa làm được một việc gì nên hồn cả. Trong một nghiên cứu được đăng tải trên Harvard Business Review, các nhà nghiên cứu đã tìm ra tại phần lớn các công ty, nhân viên dành 80% thời gian một ngày của họ cho những công việc bận rộn. Cuối cùng, điều này để lại cho nhân viên “một khoảng thời gian vô cùng ít ỏi để họ có thể làm những công việc quan trọng hơn cho bản thân mình”
Nếu không có sự can thiệp, chúng ta sẽ cứ mãi đắm chìm trong cái vòng lặp này mỗi ngày. Và khi sự bận rộn vượt quá giới hạn, cũng là lúc cơ thể của ta kéo hồi chuông báo động đến mức đỉnh điểm.
Trái nghĩa với sự bận rộn là gì?
Khi mà sự bận rộn không hề tốt như ta tưởng tượng, điều thay thế cho nó là gì? Sự uể oải? Sự lười biếng? Hay sự thờ ơ lãnh đạm? Như đã đề cập như trên, sự bận rộn không chỉ khiến thời gian bị thiếu hụt, nó còn giảm thiểu đáng kể sự lựa chọn của con người.
Bạn không cần quá tin vào những gì các nhà khoa học nói. Nhưng qua nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu đã chứng minh được rằng tác động tích cực của một vài hoạt động sau trái ngược hoàn toàn với sự bận rộn. Dưới đây là một vài ví dụ:
- Chán nản và mơ giữa ban ngày: Nghiên cứu chỉ ra rằng, cảm giác buông xuôi hay bỏ không một vài công việc nhỏ trong một hoạt động lớn hơn sẽ giúp bạn cải thiện tư duy sáng tạo.
- Nghỉ ngơi đúng nghĩa: Tham gia vào những hoạt động ngoài trời là một trong những đặc điểm phổ biến nhất của các nhà nghệ sĩ, nhà kinh doanh và các lãnh đạo gia thành công.
- Dòng chảy tâm lý: Một nghiên cứu chỉ ra rằng, các nhà lãnh đạo có thể tập trung sâu hơn vào một nhiệm vụ duy nhất, thì năng suất sẽ cao hơn gấp 500% so với nhảy qua nhảy lại giữa các công việc với nhau.
- Giao tiếp xã hội: Trong một nghiên cứu, mọi người sau khi tham gia tương tác xã hội sẽ tức thì có sự thể hiện về mặt nhận thức cao hơn rất nhiều.
- Tách biệt với công việc: Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, mọi người biết cách tách rời với công việc sẽ giảm thiểu các triệu chứng mệt mỏi, có ít sự trì hoãn hơn, và có một sức khỏe tâm lý tốt cũng như tinh thần minh mẫn hơn.
Để nói rằng bạn muốn ít bận rộn hơn thì không hề dễ dàng chút nào. Nhưng chúng ta đã thấy, bận rộn chính là nguyên nhân dẫn đến khả năng ra quyết định thiếu cẩn trọng và cạn kiệt về mặt sức khỏe. Thay vào đó, để thoát khỏi cạm bẫy của sự bận rộn, bạn cần phải sáng suốt và nhận thức đúng nguyên do mà ban đầu mình bị mắc bẫy.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng sự bận rộn là một vấn đề hoàn toàn đến từ cá nhân bạn. Giống như những vấn đề về sự quản lí thời gian hay sự tập trung, đó là nhiệm vụ của cả cá nhân và tổ chức để cùng nhau khắc phục nó.
Dù bạn là nhân viên hay là sếp, dưới đây là một vài gợi ý giúp bạn bớt căng thẳng hơn nơi chốn công sở:
1. Hiểu rõ thời gian của mình nên dành cho những công việc nào
Cách đơn giản nhất để tránh cho chúng ta bước vào “đường hầm”, đó là nhận thức đúng về cách phân bổ thời gian, và tạo ra những rào chắn cần thiết cho mỗi công việc hàng ngày.
2. Quản lí sự bận rộn bằng cách phương pháp “backup” thời gian
Thật khó để nói rằng bạn sẽ không hề bận rộn trong suốt một ngày làm việc. Luôn luôn có những vấn đề phải giải quyết hay những cuộc họp phải tham dự. Tuy nhiên, khi bận rộn ập đến cũng là lúc bạn cho mình sự tự do để kiểm soát lịch trình của mình. Bạn có thể kiềm chế sự bận rộn bằng cách dự trù một khoảng thời gian riêng cho nó. Đây là phương pháp, được gọi là sự “backup” thời gian. Đơn giản mà nói, “backup” thời gian chính là việc bạn lên kế hoạch trước cho mỗi khoảnh khắc trong ngày làm việc của mình, và dành ra một vài “khoảng trống” cho một số nhiệm vụ cụ thể nào đó.
Điều này giúp làm giảm sự bận rộn vì một vài lí do sau đây:
Thứ nhất, việc “backup” thời gian giúp bạn nhận biết và dành thời gian để làm những công việc thật sự quan trọng. Đó có thể là cho việc lập trình, viết lách hay thiết kế – bất kể những gì bạn được tuyển dụng để làm.
Thứ hai, nó giúp bạn phân nhỏ ngày làm việc của mình thành những khoảng thời gian cụ thể, thay vì cứ liên tục làm việc này một chút việc kia một chút. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chúng ta đánh mất 20-80% khoảng thời gian năng suất của mình khi cố gắng nhảy qua lại giữa các công việc với nhau.
Tuy nhiên, bất cứ khi nào bạn lên kế hoạch thời gian như thế này, bạn nên để ý tới các sai lầm – hay nói cách khác, là xu hướng quá lạc quan về việc bao lâu thì ta làm xong một nhiệm vụ.
3. Có sự phân chia rõ ràng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi
Sự bận rộn chỉ là một sản phẩm phụ trong cách ta vận hành một sự chuyển đổi lớn hơn.
Với sự phát triển của công việc tri thức, thật khó mà cho mọi người thấy kết quả làm việc như thế nào vào cuối ngày. Công việc và mục đích của chúng ta ngày càng mơ hồ, khiến cho mọi người phải làm việc cật lực hơn nữa. Chúng ta hành động như thể đang rất bận rộn, vì ta muốn mọi người nhìn vào và trầm trồ khen ngợi.
Tuy nhiên, nếu có cái nhìn rõ hơn về khối lượng công việc mà mình đang đảm trách, chúng ta sẽ không cần phải cho người khác thấy mình bận rộn như thế nào. Sự rõ ràng này cũng nên được áp dụng cho quỹ thời gian nghỉ ngơi của bạn nữa. Với tư cách là một người sếp hay quản lí, nhân viên sẽ noi gương theo hình mẫu của bạn đấy.
Khi chúng tôi phỏng vấn hơn 700 chuyên gia về cách giao tiếp trong công việc đã len lỏi vào cuộc sống của họ như thế nào. 60% nói rằng họ phải kiểm tra và trả lời email công việc ngoài giờ đi làm hầu như là mỗi ngày. Vì thế, việc phân chia rõ ràng thời gian trong và ngoài công ty sẽ giúp cho nhân viên của bạn thực sự được nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng cho một ngày làm việc mới.
Không chỉ có riêng sự bận rộn, cuộc sống đa màu hơn bạn nghĩ
Sẽ chẳng có gì tệ hơn nếu sau một ngày làm việc dài đằng đẵng, bạn trở về nhà và tự hỏi “Mình đã làm gì thế này?”.
Sự bận rộn cướp đi mục đích sống và các mối quan hệ xã hội của chúng ta. Thay vì sống có ý nghĩa và thúc đẩy để vươn lên, chúng ta lại cứ quanh quẩn khiến cho bản thân trở nên “tối mặt tối mày” để chỉ chứng minh một điều gì đó vô nghĩa.
Cũng giống như nhà triết học Roman cổ Seneca đã từng viết trong On the Shortness of Life:
“Ai ai cũng đều đồng ý rằng không một sự theo đuổi thành công nào được theo sau bởi một người đàn ông bận rộn. Bởi vì tâm trí của ông ta lúc này đang bị chi phối bởi quá nhiều thứ, không chú trọng vào điều gì một cách sâu đậm, nhưng lại chối từ mọi thứ. Tưởng chừng như là ông đang muốn nhồi nhét tất cả vào tâm trí. Chẳng có gì quan trọng hơn sự sống. Và chẳng có gì khó để mà có thể học hỏi được cả”
Hoặc là, giống như Tim Kreider đã viết trong lời kết của “The ‘Busy’ Trap”: “Cuộc sống này quá ngắn ngủi để mà cứ bận rộn như vậy”.
— HR Insider / Theo fastcompany —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.