Hồ sơ xin việc (resume) là một công cụ đắc lực khi bạn ứng tuyển vào một công việc nào đó. Nó đòi hỏi sự trung thực, sáng tạo và thể hiện rõ con người của bạn. Vì thế, bạn càng đầu tư vào hồ sơ của mình, cơ hội đặt chân vào công ty bạn hằng mơ ước sẽ càng rộng mở.
Viết một hồ sơ xin việc không khó, nhưng để một hồ sơ có chất lượng tốt thực sự không đơn giản. Hãy thử tham khảo 5 bước sau đây để có một hồ sơ thật chuyên nghiệp:
Bước 1: Xác định mục tiêu
Mục đích cuối cùng của người tìm việc là một công việc phù hợp. Hãy bắt đầu bằng việc đưa mục tiêu nghề nghiệp của bạn lên hồ sơ. Mục này phải thể hiện rõ được mục tiêu nghề nghiệp của bạn và khả năng của bạn cho vị trí đó. Dù đây không phải là mục bắt buộc, việc nêu mục tiêu nghề nghiệp cho phép bạn điều chỉnh hồ sơ theo mô tả công việc.
Bạn cần đảm bảo rằng nội dung của mục tiêu hướng tới công ty và công việc bạn đang ứng tuyển. Ví dụ: “Tôi tìm kiếm một vị trí khởi đầu tại một tạp chí để tôi có cơ hội áp dụng các kiến thức và kinh nghiệm ba năm làm biên tập viên cho tờ báo trường.”
Bước 2: Hãy làm nổi bật năng lực của mình
Phần lớn các công ty muốn ứng viên trình bày kinh nghiệm làm việc của họ theo trình tự ngược, bắt đầu bằng công việc gần đây nhất. Đừng quên đưa thông tin về vị trí công việc, công ty, địa điểm, và thời gian làm việc. Sử dụng các động từ mô tả thành tích, những con số cụ thể và trình bày chi tiết bạn đã tạo ảnh hưởng tốt như thế nào tới công ty. Ví dụ thay vì nói:”Tăng doanh thu khu vực phụ trách lên cao hơn so với mục tiêu của công ty” bạn hãy nói “Tăng doanh thu khu vực phụ trách thêm 25% trong vòng sáu tháng, vượt chỉ tiêu ban đầu là 15%”, như thế sẽ gây ấn tượng với nhà tuyển dụng hơn.
Nếu bạn đã không đi làm trong một thời gian hoặc đang muốn chuyển nghề, hãy sử dụng mẫu hồ sơ theo chức năng công việc thay vì theo trình tự công việc đã làm.
Bước 3: Loại bỏ các thông tin thừa
Đừng làm nhà tuyển dụng chán nản bằng những thông tin không liên quan tới công việc. Ví dụ, nếu bạn đang làm một công việc về tài chính và là fan hâm mộ xiếc, chẳng có lý do gì để bạn kể về sở thích đu dây của mình. Hoặc nếu bạn muốn nêu một kỹ năng đặc biệt chưa nhắc đến trong mục quá trình công việc, như khả năng sử dụng thành thạo các phần mềm Microsoft, hãy liệt kê các khóa học bạn đã tham gia và các bằng cấp bạn đã nhận. Đừng đưa vào các sở thích cá nhân không liên quan tới công việc.
Bước 4: Đừng quên bước gút cuối cùng
Sau khi viết xong hồ sơ, bạn nên kiểm tra lại lần cuối ngữ pháp, dấu chấm câu, chính tả và lỗi đánh máy. Định dạng hồ sơ sao cho chúng trông dễ đọc và bắt mắt. Chỉ sử dụng font in đậm cho tên các mục, tên công ty và chức danh công việc, chừa đủ khoảng trống để phần trình bày không bị dày đặc chữ.
Nếu bạn nộp hồ sơ qua email, chuẩn bị file dưới dạng văn bản thuần túy để có thể đọc được trên mọi hệ thống máy tính. Không dùng các định dạng màu mè như gạch chân, in đậm và thay các dấu đầu dòng bằng hoa thị hay gạch đầu dòng.
Bước 5: Nhờ người khác kiểm tra hộ
Trước khi nộp hồ sơ, hãy nhờ bạn bè hoặc chuyên gia trong lĩnh vực xem qua và hỏi xem nó đã nhấn mạnh được các kinh nghiệm và kỹ năng của bạn chưa. Người ngoài có thể dễ dàng phát hiện những lỗi mà bạn đã bỏ qua và cho bạn những ý kiến khách quan.
Viết hồ sơ là một thách thức, nhưng đừng để nó đè nặng lên vai bạn. Hãy chia nhỏ ra thành từng bước, bỏ thời gian và tập trung công sức cho mỗi bước. Chỉ cần một chút nỗ lực và ý chí, bạn có thể tăng cơ hội nhận được công việc bạn hằng mong muốn.
Xem thêm các hồ sơ mẫu theo ngành nghề tại đây.
Hồ Sơ Xin Việc Mẫu Theo Ngành Nghề
Click vào đây để xem thêm các hồ sơ ứng tuyển mẫu phân loại theo ngành nghề
— HR Insider —
Tìm kiếm ngay các cơ hội việc làm hấp dẫn ngay hôm nay tại vietnamworks.com
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.