1. Ý nghĩa thực tiễn của phân bổ chi phí
Chi phí là một thuật ngữ tài chính, nhưng đồng thời cũng là cụm từ được sử dụng rất quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Ở quy mô xã hội nhỏ nhất, cụ thể là từng cá nhân, để duy trì và vận hành các điều kiện sinh hoạt và phát triển, cá nhân sẽ quyết định lựa chọn các nhóm chi tiêu mong muốn, đồng thời sẽ thực hiện việc kiểm soát chi phí để tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực tài chính của bản thân mình.
Tương tư như vậy, ở mô hình xã hội lớn hơn như các tổ chức doanh nghiệp, việc kiểm soát chi phí luôn là một trong những quyết sách trọng tâm của cấp lãnh đạo bậc trung và bậc cao.
Chi phí trong doanh nghiệp thường được phân loại thành chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp. Và theo đó, chi phí trực tiếp là loại chi phí phát sinh đặc thù, riêng biệt ở mỗi bộ phận hay mỗi dòng sản phẩm cụ thể, ví dụ như chi phí nguyên vật liệu a chỉ để dùng để sản xuất sản phẩm A, và trong thực tế chi phí trực tiếp này thường sẽ được thể hiện bằng một dòng riêng biệt cho giá trị nguyên vật liệu a trên hóa đơn chứng từ kế toán đầu vào. Ngược lại, chi phí gián tiếp là loại chi phí phát sinh nhằm duy trì hoạt động chung của nhiều bộ phận, ví dụ như chi phí điện, nước, chi phí nguyên vật liệu phụ gia có thể được sử đồng thời cho nhiều dòng sản phẩm. Và do vậy, hóa đơn chứng từ đầu vào thực tế thường sẽ thể hiện giá trị chi tiêu tổng hợp. Để việc kiểm soát chi phí được hiệu quả, chi phí kế toán phát sinh cần được ghi nhận cụ thể các chỉ tiêu như nội dung chi phí, bộ phận hay dòng sản phẩm sử dụng chi phí, và giá trị bằng tiền cho chi tiêu phát sinh ở từng bộ phận đó, được phân bổ trên giá trị chi tiêu tổng hợp thể hiện trên hóa đơn kế toán. Trên cơ sở đó, khái niệm phân bổ chi phí và phương pháp phân bổ được ra đời để đáp ứng chính xác mục tiêu này. Ngoài ra, trong công tác kế toán và trình bày báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán Việt Nam, và cụ thể là chuẩn mực VAS 02 – Hàng tồn kho, thì giá trị hàng tồn kho ghi sổ kế toán cho mỗi dòng sản phẩm sản xuất cần được đánh giá trên cơ sở thực hiện phân bổ hợp lý các chi phí liên quan phát sinh từ các bộ phận sản xuất và dịch vụ hỗ trợ liên quan đến việc sản xuất sản phẩm này.
2. Phương pháp phân bổ chi phí:
Một số cơ sở phân bổ thực tế được đề xuất nhằm xác định chi phí phân bổ cho một đơn vị sản phẩm sản xuất ở từng phân xưởng sản xuất liên quan thuộc Công ty ABC, như sau:
- Công ty có hai phân xưởng sản xuất: phân xưởng Lắp ráp và Phân xưởng Gia Công.
- Công ty ABC đồng thời có hai bộ phận cung cấp dịch vụ cho hoạt động ở các phân xưởng: bộ phận Bảo Trì và bộ phận Căng Tin
Chi phí ước tính cần phân bổ cho kỳ tới như sau:
Chi phí nguyên vật liệu gián tiếp | $20,000 |
Chi phí thuê mặt bằng | $15,000 |
Chi phí điện | $10,000 |
Chi phí nhân công gián tiếp | $16,250 |
Thông tin phân bổ chi phí (được tập hợp như sau):
Phân xưởng Lắp ráp | Phân xưởng Gia Công | Bộ Phận Dịch Vụ Bảo Trì | Bộ phận Căng tin | Tổng cộng | |
---|---|---|---|---|---|
Diện tích sử dụng (m2) | 1,000 | 2,000 | 500 | 500 | 4,000 |
Số KW tiêu hao | 2,750 | 4,500 | 1,975 | 775 | 10,000 |
Số nhân viên | 18 | 30 | 12 | 2 | 62 |
Chi phí nguyên vật liệu gián tiếp ước tính ($) | 7,000 | 8,000 | 3,000 | 2,000 | 20,000 |
Chi phí nhân công gián tiếp ước tính ($) | 1,600 | 2,220 | 11,200 | 1,500 | 16,250 |
Bước 1: phân bổ chi phí gián tiếp phát sinh cho các phân xưởng sản xuất và các bộ phận cung cấp dịch vụ liên quan
Chi phí gián tiếp | Tổng cộng | Cơ sở phân bổ thực tế đề xuất | Chú thích | Phân xưởng Lắp Ráp | Phân xưởng Gia Công | Bộ Phận Dịch vụ bảo trì | Bộ phận Căng tin | Tổng cộng |
---|---|---|---|---|---|---|---|---|
$ | $ | $ | $ | $ | $ | |||
Chi phí thuê mặt bằng | 15,000 | Diện tích (m2) | =$15,000 tổng chi phí thuê *1,000 m2 phẩn bổ cho phân xưởng lắp ráp /tổng diện tích 4,000 m2) | 3,750 | 7,500 | 1,875 | 1,875 | 15,000 |
Chi phí điện | 10,000 | Số KW tiêu hao | =$10,000 tổng chi phí điện * (2,750 số KW tiêu hao cho phân xưởng Lắp Ráp /Tổng số KW 10,000) | 2,750 | 4,500 | 1,975 | 775 | 10,000 |
Chi phí nguyên vật liệu gián tiếp ước tính | 20,000 | 7,000 | 8,000 | 3,000 | 2,000 | 20,000 | ||
Chi phí nhân công gián tiếp ước tính | 16,520 | 1,600 | 2,220 | 11,200 | 1,500 | 16,520 | ||
Tổng cộng | 15,100 | 22,220 | 18,050 | 6,150 | 61,520 |
Bước 2: Phân bổ chi phí từ bộ phận cung cấp dịch vụ vào các phân xưởng sản xuất theo phương pháp trực tiếp
Bộ phận căng tin chỉ cung cấp thức ăn cho các nhân viên của các phân xưởng sản xuất trong công ty ABC như sau:
Phân xưởng Lắp Ráp | Phân xưởng Gia Công | |
---|---|---|
Số lượng nhân viên của từng phân xưởng | 18 | 30 |
Bộ phận dịch vụ bảo trì chỉ cung ứng dịch vụ bảo trì cho phân xưởng sản xuất theo tỷ lệ thời gian cung ứng là 60% cho phân xưởng lắp ráp và 40% cho Phân xưởng Gia Công
Cơ sở phân bổ thực tế đề xuất | Chú thích | Phân xưởng Lắp Ráp | Phân xưởng Gia Công | Bộ Phận Dịch vụ bảo trì | Bộ phận Căng tin | Tổng cộng | |
---|---|---|---|---|---|---|---|
Tổng chi phí ở bước 1 | 15,100 | 22,220 | 18,050 | 6,150 | 61,520 | ||
Phân bổ chi phí từ bộ phận Căng tin cho phân xưởng sản xuất | Số lượng nhân viên | Tổng chi phí bộ phận căng tin $6,150*18 nhân viên phân xưởng Lắp ráp/tổng số nhân viên 48 | 2,306 | 3,844 | 0 | -6,150 | 0 |
Phân bổ chi phí từ bộ phận dịch vụ bảo trì cho phân xưởng sản xuất | Tỷ lệ thời gian cung ứng dịch vụ | Tổng chi phí bộ phận dịch vụ bảo trì $18,050*60% thời gian phân bổ cho phân xưởng Lắp ráp | 10,830 | 7,220 | -18,050 | 0 | 0 |
Tổng cộng | 28,236 | 33,284 | 0 | 0 | 61,520 |
Bước 3: Tính chi phí phẩn bổ cho một đơn vị sản phẩm ở từng phân xưởng
Phân xưởng Lắp Ráp | Phân xưởng Gia Công | |
---|---|---|
Tổng chi phí ở bước 2 | 28,236 | 33,284 |
Số lượng sản phẩm ước tính ở từng phân xưởng liên quan | 1,000 | 1,000 |
Chi phí phân bổ cho một đơn vị sản phẩm | 28.236 | 33.284 |
GIỚI THIỆU CHUỖI BÀI VIẾT KỸ NĂNG CHUYÊN NGÀNH ĐỘC QUYỀN TỪ ACCA – HIỆP HỘI KẾ TOÁN CÔNG CHỨNG ANH QUỐC:
Với mục tiêu trở thành trang thông tin hữu ích giúp người tìm việc trong mọi ngành nghề nắm bắt được những kiến thức, kỹ năng cần thiết để thăng tiến trong công việc, HR Insider cho ra đời chuyên mục Kỹ Năng Chuyên Ngành. Trong chuyên mục này, HR Insider kết hợp với ACCA – Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc gửi đến bạn những bài viết độc quyền đến từ các hội viên là các chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, tài chính, ngân hàng…, cung cấp kiến thức và kỹ năng phù hợp nhất với những người đang làm việc trong các chuyên ngành này. Mời bạn tiếp tục đón đọc những bài viết hữu ích khác của HR Insider và ACCA trong thời gian tới.
Tác giả: Võ Thị Hồng Yến, M.Sc., FCCA_Giảng viên tại Smart Train
— HR Insider / ACCA —
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.